Trong phiên giao dịch ngày 6-10, giá dầu WTI của Mỹ có thời điểm chạm mốc 79,47 USD/thùng - mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 11-2014. Giá dầu Brent chuẩn toàn cầu cũng tăng 66 cent (tương đương 0,8%) lên 83,22 USD/thùng, gần bằng mức cao kỷ lục trong 3 năm trở lại đây.
Theo Reuters, đây là ngày thứ 4 liên tiếp giá dầu Brent tăng vì nỗi lo liên quan đến nguồn cung, đặc biệt là sau khi Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất bên ngoài (được gọi là OPEC+) quyết định giữ nguyên mức tăng sản lượng khai thác cho tháng 11 như thỏa thuận đã đạt được từ trước, thay vì gia tăng nguồn cung.
Biển báo hết nhiên liệu tại một trạm xăng ở thị trấn Hemel Hempstead - Anh. hôm 29-9 Ảnh: REUTERS
Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên tiếp tục thiết lập những cột mốc kỷ lục mới trong phiên giao dịch đầu ngày 6-10 (giờ địa phương), khi thị trường đối mặt với "một cơn bão hoàn hảo" gồm thời tiết lạnh hơn, nhu cầu gia tăng và nỗi lo về nguồn cung.
Các hợp đồng khí đốt tại Trung tâm TTF Hà Lan (giá tiêu chuẩn cho khu vực châu Âu) tăng thêm 12%-15%, sau khi tăng khoảng 20% vào ngày trước đó.
Trong khi đó, giá khí đốt bán sỉ giao ngay ngày hôm sau tại Anh đã tăng thêm 0,56 USD, tương đương 14,7%, lên mức cao chưa từng thấy: 4,34 USD/therm (đơn vị nhiệt). Xu hướng tăng này, theo đài CNBC, diễn ra một phần vì nhu cầu tăng đột biến khi các nền kinh tế từng bước gỡ bỏ lệnh phong tỏa Covid-19 để trở lại trạng thái bình thường.
Giá nhiên liệu cũng đang tăng mạnh trên khắp châu Á. Theo Bloomberg, giá propan - một sản phẩm dầu thường được sử dụng để nấu ăn hoặc sản xuất nhựa - trong khu vực đã tăng lên mức cao kỷ lục kể từ năm 2016 trong khi giá dầu gần đây tăng gần gấp đôi so với một năm trước đó.
Bình luận (0)