Đài CNN ngày 5-2 dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi nhấn mạnh việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc là phản ứng thái quá và Bắc Kinh bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với động thái này. Ông Đàm nói Trung Quốc có quyền sử dụng các biện pháp cần thiết để đối phó với những tình huống tương tự.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày cáo buộc Mỹ "vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế". Trong khi Washington tin rằng khinh khí cầu "liên quan tới hoạt động do thám", Bắc Kinh khẳng định nó chỉ là "khinh khí cầu dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu". Theo CNN, sự cố này đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chiến đấu cơ F-22 của Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ngày 4-2 Ảnh: REUTERS
Về phía Tổng thống Joe Biden, ông bị Đảng Cộng hòa chỉ trích vì để khinh khí cầu bay quá lâu trong không phận Mỹ. Giải thích điều này, ông chủ Nhà Trắng nói: "Khi nhận được thông báo vào ngày 1-2, tôi đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc bắn hạ nó càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, các quan chức an ninh cho rằng nên chờ khinh khí cầu bay ra biển để bảo đảm an toàn cho người dân".
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Charles Schumer cho biết bây giờ họ có thể thu thập khinh khí cầu và phân tích công nghệ mà Trung Quốc sử dụng. Theo hãng tin AP, hải quân và tuần duyên Mỹ đang trục vớt các mảnh vỡ khinh khí cầu sau khi nó bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển bang Nam Carolina chiều 4-2.
Một quan chức Mỹ nói với AP rằng đây không phải lần đầu tiên khinh khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ trong những năm gần đây. Theo quan chức này, khinh khí cầu Trung Quốc đã bay vào không phận Mỹ ít nhất 3 lần dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump và ít nhất 1 lần khác dưới thời Tổng thống Joe Biden nhưng không lâu như lần này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người hủy chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 3-2, lên án hành động "vô trách nhiệm" của Bắc Kinh khi "thả khinh khí cầu vào Mỹ". Ông Blinken lưu ý sự cố có thể gây bất lợi cho các cuộc thảo luận quan trọng đã được lên kế hoạch giữa 2 nước.
Bình luận (0)