Cuộc họp này diễn ra sau khi lực lượng đảo chính ở Niger không phóng thích Tổng thống Mohamed Bazoum vào ngày 6-8, thời hạn chót được ECOWAS đưa ra. Ông Bazoum cùng vợ con hiện vẫn bị quản thúc tại gia ở thủ đô Niamey sau khi bị lật đổ hôm 27-7.
Phe đảo chính sau đó đã bác bỏ lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc, ECOWAS và những nước khác về việc khôi phục cho nhà lãnh đạo này.
ECOWAS cho đến nay vẫn thận trọng về việc sử dụng vũ lực và xem đây là "phương sách cuối cùng" cho cuộc khủng hoảng ở Niger. Một phần lý do là giữa các thành viên nhóm không có sự đồng thuận về bước đi này.
Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS, ông Abdel-Fatau Musah, cho biết hầu hết 15 quốc gia thành viên của khối này sẵn sàng tham gia lực lượng dự phòng. Chỉ một vài nước đang có chính quyền quân sự là Mali, Burkina Faso, Cape Verde không tham gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Ghana Dominic Nitiwul phát biểu tại cuộc họp của ECOWAS tại thủ đô Accra hôm 17-8 Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, bất kỳ sự leo thang nào cũng sẽ khiến khu vực Sahel nghèo khó của Tây Phi thêm bất ổn. Riêng Niger hiện đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan ở khu vực, cũng như có dự trữ uranium và dầu.
Quân đội Pháp, Mỹ và Đức hiện có mặt tại Niger để tham gia nỗ lực chống lại lực lượng nổi dậy. Pháp đã bác bỏ cáo buộc của chính quyền quân sự rằng họ đang tìm cách gây bất ổn cho Niger hoặc vi phạm không phận nước này, đồng thời ủng hộ ECOWAS khôi phục trật tự hiến pháp ở đó.
Trước đó, Hội đồng An ninh và Hòa bình của Liên minh châu Phi đã họp bàn về vấn đề Niger hôm 14-8. Hội đồng này có quyền bác bỏ hành động can thiệp quân sự nếu cho rằng một động thái như thế đe dọa sự ổn định của châu lục này.
Nếu họ bác bỏ việc sử dụng vũ lực, ECOWAS có rất ít cơ sở pháp lý để biện minh cho ý định can thiệp quân sự.
Bình luận (0)