Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2016, cô Dara Zucker tháng nào cũng phải trả khoản nợ vay sinh viên nhưng hiện vẫn còn nợ 39.000 USD. Tình cảnh của cô gái 28 tuổi này không phải là duy nhất ở Mỹ.
Theo thống kê của Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh St. Louis, người Mỹ hiện đối mặt khoản nợ vay sinh viên lên đến gần 1.750 tỉ USD, tăng so với mức 481 tỉ USD năm 2006. Đối mặt cuộc khủng hoảng ngày một nghiêm trọng này, giới hoạch định chính sách, nhà kinh tế học và người vay mượn nhất trí rằng cần làm điều gì đó nhưng vẫn còn tranh luận về những bước đi chính xác.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cho phép tạm hoãn trả nợ sinh viên và bước đi này sau đó được người kế nhiệm Joe Biden gia hạn đến cuối tháng 8-2022. Nếu ông Biden không tiếp tục có động thái tương tự, 45,4 triệu người sẽ tiếp tục trả nợ vay sinh viên hằng tháng từ ngày 1-9. Đáng chú ý, ông Biden khi còn tranh cử đã hứa "xóa 10.000 USD tiền nợ sinh viên của mỗi người".
Theo nhóm nghiên cứu Education Data Initiative (tạm dịch "Sáng kiến Dữ liệu Giáo dục"), học phí 4 năm học tại trường đại học công lập ở Mỹ tăng 31,4% trong giai đoạn 2010-2020. Trong khi đó, Trung tâm Quốc gia về thống kê giáo dục Mỹ cho biết một năm học tại một trường đại học 4 năm ở Mỹ tốn trung bình 35.551 USD, tính luôn cả học phí.
Chính phủ liên bang hiện cung cấp hầu hết khoản vay cho sinh viên có nhu cầu. Người vay sau đó phải bắt đầu trả nợ sau khi rời trường 6 tháng, bất kể họ có tốt nghiệp hay không.
Hạ nghị sĩ Ilhan Omar và một số nhà hoạt động tập trung bên ngoài Nhà Trắng để kêu gọi xóa nợ vay sinh viên hồi cuối tháng 4-2022Ảnh: REUTERS
Theo đài Al Jazeera, một số chuyên gia cho rằng các trường đại học cần làm tốt hơn việc cung cấp thông tin cho sinh viên về khoản nợ vay tiềm tàng và các chương trình trả nợ sau khi tốt nghiệp. Chẳng hạn chương trình trả nợ dựa trên thu nhập cho phép người vay trả nợ dựa trên lương nhưng kéo dài thời hạn khoản vay và bổ sung lãi suất.
Ông Cristian deRitis, một chuyên gia tại Công ty Dịch vụ tài chính Moody’s (Mỹ), nhận định giới trẻ đang bị đặt vào thế khó, nhất là khi nhiều người mơ mộng sẽ kiếm được lương cao ngay sau khi ra trường.
Dù vậy, một số chuyên gia cảnh báo chính sách xóa nợ vay sinh viên sẽ gây rắc rối vì nhiều lý do. Bà Lindsey M Burke, Giám đốc Trung tâm Chính sách giáo dục thuộc Quỹ Di sản (Mỹ), chỉ ra rằng người tốt nghiệp đại học ít có khả năng bị thất nghiệp và có thể làm việc tại nhà.
Vì thế, việc xóa nợ vay cho họ trong lúc vẫn còn nhiều người khác lâm vào tình cảnh khó khăn hơn do đại dịch sẽ dẫn đến không ít tranh cãi. Ngoài ra, theo bà Burke, các khoản nợ sẽ không tự nhiên biến mất. Với người đóng thuế Mỹ, việc xóa nợ khoản vay cho sinh viên có thể đồng nghĩa thuế hoặc lạm phát cao hơn.
Tuy nhiên, bà Sabrina Calazans, thành viên Trung tâm Khủng hoảng nợ sinh viên (SDCC, trụ sở ở Mỹ), bác bỏ lập luận trên khi cho rằng việc xóa khoản nợ 10.000 USD sẽ giúp ích tức thì cho hàng triệu người dù SDCC muốn con số này tăng lên ít nhất 50.000 USD.
Riêng ông Cristian deRitis cho rằng chính phủ Mỹ nên siết chặt điều kiện cho sinh viên vay và hạn chế giá trị khoản vay, cũng như khuyến khích người không có điều kiện theo học trường có chi phí thấp hơn.
Kết quả thăm dò của đài NPR/Công ty Ipsos hồi tháng 6-2022 cho thấy 55% người được hỏi ủng hộ động thái xóa nợ đến 10.000 USD cho mỗi người vay. Tuy nhiên, nếu con số này tăng lên 50.000 USD, tỉ lệ ủng hộ giảm còn 47% và chỉ có 41% ủng hộ xóa hết nợ.
Ngoài ra, chỉ 16% người ủng hộ chính phủ ưu tiên vấn đề xóa nợ và có đến 82% người cho rằng Washington nên tập trung tìm giải pháp để học phí đại học trở nên "dễ chịu" hơn đối với sinh viên hiện tại và trong tương lai.
Bình luận (0)