Moldova đã rút giấy phép phát sóng của sáu kênh truyền hình vì lý do đưa thông tin sai lệch về các sự kiện quốc gia và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cùng những lý do khác. Theo Sputnik, các kênh đối lập và các kênh tiếng Nga bị chính quyền Moldova đình chỉ giấy phép gồm Primul in Moldova, RTR Moldova, Accent TV, NTV Moldova, TV6, Orhei TV.
Một số kênh bị rút giấy phép đã phát lại các chương trình từ các kênh truyền hình Nga. Theo hãng tin Reuters, các kênh này (một số phát bằng tiếng Moldova và một số bằng tiếng Nga) có mối liên hệ chặt chẽ với chính trị gia và doanh nhân Ilan Shor, người đã rời khỏi Moldova vào năm 2019 sau cuộc bầu cử của Tổng thống thân phương Tây Maia Sandu.
Song song đó, gói trừng phạt thứ chín của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga nhắm vào 141 cá nhân và 49 thực thể, trong đó có cả các nhân vật truyền thông và các kênh truyền hình.
Moscow coi quyết định của Chisinau về việc thu hồi giấy phép của 6 kênh truyền hình phát sóng ở Moldova là kiểm duyệt chính trị, đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế đánh giá các hành động này. Ảnh: EPA
Phản ứng trước việc EU, Moldova cấm các kênh truyền hình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 17-12 cho biết: "Chúng tôi coi lệnh cấm này là một hành động kiểm duyệt chính trị chưa từng có, lạm dụng nguyên tắc đa nguyên truyền thông và vi phạm trắng trợn quyền tự do tiếp cận thông tin".
Đồng thời, bà Maria Zakharova kêu gọi các tổ chức quốc tế đánh giá các hành động này và thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để khắc phục.
Lệnh đình chỉ sẽ có hiệu lực vào ngày 19-12 và sẽ được duy trì trong suốt thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc mà Moldova đã tuyên bố sau khi Nga đưa quân vào Ukraine vào cuối tháng 2.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với tờ báo SZ (Đức) hôm 16-12 rằng các quốc gia phương Tây không nên từ bỏ các cuộc đàm phán với Moscow, bất kể "sự khác biệt" giữa hai bên lớn đến mức nào.
Theo Thủ tướng Olaf Scholz, việc từ bỏ đàm phán với Moscow sẽ chỉ khiến nhiệm vụ chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine càng thêm khó khăn.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Global Look Press
Thủ tướng Đức vẫn cho rằng Moscow phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột đang diễn ra với Kiev và Nga nên chủ động ngăn chặn hành động quân sự. Tuy vậy, ông Olaf Scholz ủng hộ một giải pháp thương lượng hơn là giải pháp quân sự.
Khi được hỏi về thời điểm "có thể có cơ hội đàm phán", ông Olaf Scholz nói rằng "thời điểm thực sự đã đến từ lâu". Thủ tướng Đức đã nhiều lần kêu gọi tiếp tục đối thoại với Moscow, cho đó là lựa chọn khả thi duy nhất để chấm dứt giao tranh ở Ukraine.
Về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, ông nói rằng Đức sẽ gửi "vũ khí hiện đại" cho Kiev nhưng cũng sẽ tìm cách ngăn chặn "cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga".
Bình luận (0)