Các đám đông đã phong tỏa nhiều giao lộ ở trung tâm tài chính của thành phố để phản đối những tính chất “xấu xa” của phố Wall, thói tham lam của doanh nghiệp và tình trạng bất bình đẳng. Hơn 180 người biểu tình đã bị bắt với cáo buộc có hành vi gây mất trật tự.
Cảnh sát bắt một người biểu tình của phong trào Chiếm phố Wall ở New York hôm 17-9. Ảnh: AP
Các cuộc biểu tình rầm rộ của phong trào này cách đây 1 năm đã dẫn đến cuộc tranh luận toàn nước Mỹ về điều mà người biểu tình gọi là một hệ thống kinh tế bất bình đẳng. Vấn đề này cũng len lỏi vào trong các chiến dịch vận động tranh cử ở Mỹ và trở thành cảm hứng cho các phong trào tương tự khắp thế giới.
Tuy nhiên, sự sụt giảm quy mô của các cuộc biểu tình so với 1 năm trước đã dẫn đến những nhận định rằng phong trào đang mất dần sức mạnh và sức hút.
Các nhà sáng lập và thành viên phong trào ngay lập tức đã bác bỏ nhận định này. Một người biểu tình tên Justin Stone Diaz nói: “Đây là một phong trào và nó chỉ mới ra đời được 1 năm. Phải cần nhiều năm để nó phát triển. Chúng tôi cũng cần chừng đó thời gian để xác định được mình là ai”. Tương tự, Caleb Maupin, một người biểu tình khác, khẳng định: “Giới truyền thông nói phong trào đang chết dần. Nhưng việc hơn 100 người bị bắt sáng nay cho thấy phong trào này vẫn là một phần của của cuộc tranh luận”.
Để minh chứng thêm cho quan điểm này, phong trào cho biết các hoạt động kỷ niệm tương tự đã diễn ra tại hơn 30 thành phố khắp thế giới.
Thủ lĩnh Hezbollah Sheikh Hassan Nasrallah cảnh báo Mỹ tại cuộc tuần hành hôm 17-9. Ảnh: AP
Trong một diễn biến khác, hàng trăm ngàn người đã tuần hành tại Beirut (Lebanon) để lên án bộ phim Mỹ bị xem là chống đạo Hồi. Cuộc tuần hành đánh dấu sự xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên của thủ lĩnh phong trào Hezbollah Sheikh Hassan Nasrallah kể từ tháng 12-2011. Tại cuộc tuần hành, ông Nasrallah cảnh báo Mỹ về những hậu quả nghiêm trọng nếu bộ phim được công chiếu rộng rãi.
Bình luận (0)