Khó ai trả lời chính xác câu hỏi: “Kim Jong-un thực sự là ai?”. Bởi lẽ có quá ít thông tin về cậu út của nhà họ Kim. Đi học ở Thụy Sỹ bằng nhân thân giả và đừng mơ đến chuyện Kim “xuất đầu lộ diện” trên các mạng xã hội.
Ngay cả điều tưởng như đơn giản nhất – độ tuổi – cũng là một dấu hỏi lớn. Người ta chỉ phỏng đoán vị đại tướng trẻ nhất thế giới này có thể 27 hoặc 28 tuổi.
Những hình ảnh hiếm hoi của Kim Jong-un trước khi dấn bước vào chính trường
Dưới đây là 7 bật mí về thân thế bí ẩn của Kim Jong-un
1. Năm sinh khó đoán:
Có khá nhiều phỏng đoán về ngày sinh của Kim Jong-un, phổ biến là ngày 8-1-1982 hoặc 1983. Trong khi đó, tờ JoongAng Daily của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin tình báo cho biết Kim sinh ngày 8-1-1984.
Chính phủ Triều Tiên công bố ngày sinh chính thức của Kim Jong-un là 16-2-1982, theo JoongAng Daily là “để có sự tương đồng với năm sinh của ông nội Kim Il-sung (1912) và người cha Kim Jong-il (1942)”.
Mẹ của Kim Jong-un là bà Ko Young Hee, một vũ công. Bà qua đời năm 2004 vì ung thư vú
Sự nghiệp chính trị của Kim Jong-un được sắp đặt cẩn thận, ít nhất là về các con số. JoongAng Daily viết: “Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ Kim được bầu làm đại biểu quốc hội từ đơn vị bầu cử ở quận 216 hồi tháng 3-2010. Quận 216 trùng khớp với ngày sinh 16-2”.
2. Học ở Thụy Sỹ
Kim Jong-un được cho là nhập học ở trường quốc tế Gümlingen ở Bern - Thụy Sỹ, chỉ cách Đại sứ quán Triều Tiên vài mét, bằng bí danh “Pak Chol” (hoặc Pak Un). Kim học ở Gümlingen cho đến năm 1998, theo Reuters.
Nhà báo Julie Zaugg của tạp chí L'Hebdo (Thụy Sỹ) viết: “Ở trường Gümlingen, cậu thiếu niên ấy được gọi bằng cái tên Pak Chol và được giới thiệu có cha là tài xế. Luôn luôn có một học sinh lớn hơn mà Pak Chol gọi là “Chol Wang” theo sát cậu mọi lúc mọi nơi”.
Kim Jong-un trong thời gian học ở Thụy Sỹ
Chính điều này đã khiến các bạn học của Pak Chol nghi ngờ Chol Wang là vệ sĩ của cậu. Trớ trêu là Chol Wang nổi tiếng ở trường hơn hẳn Pak Chol nhờ tài chơi thể thao.
Một số nguồn tin cho rằng Kim Jong-un có thời gian học ở Đức với danh nghĩa con trai của một nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên.
Tờ Times trích dẫn một đánh giá của bạn học về Kim Jong-un: “Cậu ta có khiếu hài hước, hòa đồng tốt với mọi người, kể cả với những học sinh đến từ các nước đối đầu với Triều Tiên. Một phần vì chúng tôi không bàn về chính trị ở trường”.
3. Mê bóng rổ
Trong thời gian theo học tại trường nói tiếng Đức Liebefeld-Steinholzli cũng ở Bern từ năm 1998 - 2000, sinh viên ở đây mô tả Kim là “bình thường, không bày tỏ quan điểm chính trị” và “bị ám ảnh bởi bóng rổ”.
Một người bạn khác từng ghé thăm căn hộ ở số 10 Kirchstrasse, Liebefeld, kể Kim dành hẳn một căn phòng để trưng bày các vật kỷ niệm liên quan đến NBA.
Kim Jong-un được cho là mê bóng rổ đến mức ám ảnh
“Cậu ta thần tượng các cầu thủ bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Cậu thường tự hào khoe các tấm ảnh chụp chung với cầu thủ Toni Kukoc của đội Chicago Bulls và Kobe Bryant của Los Angeles Lakers. Không rõ các tấm ảnh này được chụp khi nào. Ít nhất có một lần, xe của Đại sứ quán Hàn Quốc chở Pak Un đến Paris xem một trận đấu biểu diễn của các cầu thủ NBA” – người này cho biết.
Năm 2009, tờ Washington Post dẫn lời một bạn học của Kim Jong-un cho biết vị đại tướng trẻ tuổi từng “bỏ ra hàng giờ vẽ hình thần tượng là siêu sao bóng rổ Michael Jordan của Chicago Bulls”. Có thể “người kế vị vĩ đại” thừa hưởng niềm yêu thích bóng rổ nói chung và Michael Jordan nói riêng từ chính người cha của mình, do ông Kim Jong-il cũng nổi tiếng say mê bóng rổ.
Một bạn học của Kim Jong-un tên Nikola Kovacevic nhớ lại: “Cậu ta nhút nhát với các bạn nữ nhưng trên sân đấu bóng rổ thì khác hẳn, trở thành một đối thủ đáng gờm với lối tranh bóng quyết liệt. Cậu ta chơi rất bùng nổ, là kiểu cầu thủ có thể quyết định trận đấu”. Có tin cho rằng một học sinh người Israel đã dạy Kim chơi bóng rổ.
Kim Jong-un rất hâm mộ ngôi sao cơ bắp Arnold Schwarzenegger
Ngoài bóng rổ, Kim Jong-un cũng rất mê truyện tranh Nhật Bản và phim hành động Mỹ. Kim đặc biệt hâm mộ ngôi sao cơ bắp Arnold Schwarzenegger và có thể nói chuyện về phim của Schwarzenegger suốt.
4. Được cựu Đại sứ Thụy Sỹ tại Triều Tiên chăm sóc
Cậu thiếu niên Kim Jong-un khi ở Thụy Sỹ đã nhận được sự chăm nom của cựu Đại sứ Thụy Sĩ tại Triều Tiên Ri Tcheul. “Ông Ri Tcheul đã đánh xe Limousine đến Berne để gặp Pak Un. Ông ta giống như bảo mẫu cho cả 3 anh em nhà họ Kim” – nhà báo Ron Hochuli của đài truyền hình Thụy Sỹ nói.
5. Biến mất vào năm 2000
Kim Jong-un hoàn toàn mất dạng vào năm 2000. Theo tờ Washington Post, nhiều khả năng Kim đã quay về Bình Nhưỡng thời điểm ấy. Đến tận tháng 10-2010, Kim mới lộ diện với tư cách là ứng cử viên sáng giá nhất kế vị Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il.
Tiếp sau đó, Kim lần lượt nắm giữ các vị trí quan trọng và thường xuyên có mặt bên cạnh cha trong các chuyến công cán cũng như các sự kiện lớn.
Từ tháng 10-2010, ông Kim Jong-un thường xuyên có mặt cạnh cha. Ảnh: AP
Vẫn còn nhiều đồn đoán về việc vì sao Kim Jong-un giành được vị trí thừa kế quyền lực, vượt qua hai người anh trai Kim Jong-nam và Kim Jong-chol. Theo báo giới, Kim Jong-nam thất sủng vì “quá ăn chơi”, nhất là sau vụ lùm xùm xài hộ chiếu giả để đến Nhật thăm thú Tokyo Disneyland.
Trong khi đó, theo Telegraph, Kim Jong-chol từng có thời là ứng viên sáng giá cho danh hiệu người kế vị. Tuy nhiên, trong quyển hồi ký của mình, ông Kenji Fujimoto, đầu bếp riêng của ông Kim Jong-il, tiết lộ Kim Jong-chol “bị cha gạt bỏ không thương tiếc với đánh giá quá đàn bà, nhu nhược để lãnh đạo”.
Chủ tịch Kim đi đến kết luận này sau khi truyền thông Nhật đưa tin Kim Jong-chul đã đến Đức để thưởng thức một buổi biểu diễn của thần tượng Eric Clapton. Ngay từ nhỏ, cậu hai nhà họ Kim vốn có tiếng là nhạy cảm, yêu thích thể thao, văn nghệ và điều đó đã trở thành rào cản trên con đường tiến thân.
Kim Jong-nam và Kim Jong-chul bị gạt bỏ vì "quá ăn chơi" và "quá nhu nhược"
6. Phẫu thuật thẩm mỹ cho giống ông nội
Sau khi Kim Jong-un tái xuất hiện năm 2010, các tin đồn Kim đã phẫu thuật thẩm mỹ cho giống ông nội, lãnh tụ Kim Il-sung, rộ lên ầm ĩ. Tờ Telegraph của Anh so sánh những hình ảnh của Kim Jong-un khi còn trẻ và hình ảnh chính thức do hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên công bố năm 2010 cho thấy sự khác biệt quá lớn trên khuôn mặt.
Theo suy đoán của báo chí Hàn Quốc, lý do Kim thay đổi khuôn mặt là để nâng cao vị thế trong lòng người dân Triều Tiên.
Sự thay đổi quá lớn trên khuôn mặt...
...và ngày càng giống ông nội Kim Il-sung (giữa)
Ít ra Kim Jong-un cũng trở thành một biểu tượng thời trang với mái tóc gây sốt. Telegraph tường thuật: “Thanh niên ở Bình Nhưỡng xếp hàng dài trước các tiệm cắt tóc, yêu cầu cắt y hệt mái tóc ngắn, cạo nhẵn phía trên tai như Kim Jong-un. Người ta gọi đây là kiểu tóc “tuổi trẻ” hoặc “tham vọng”.
7. Chính sách chưa công khai
Cho đến nay, chưa ai rõ chính sách mà Kim Jong-un theo đuổi là gì và điều này khiến cả thế giới hồi hộp chờ đợi. “Kim Jong-un hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trường. Nói cách khác, Kim gần như được đặt vào vị trí hiện nay với vỏn vẹn 2 năm chuẩn bị. Chưa ai rõ Kim sẽ sử dụng quyền lực như thế nào ở cương vị mới” – ông Aiden Foster-Carter, chuyên gia người Anh về Triều Tiên, nhận định.
Trở thành vị tướng trẻ nhất thế giới...
...và "người kế vị vĩ đại". Ảnh: AP
Kim Jong-un được phong tướng bốn sao vào tháng 9-2010. Không lâu sau đó, Kim trở thành Phó chủ tịch Quân ủy trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên.
Bình luận (0)