xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh tế châu Á: Sáng tối đan xen

Thu Hằng

Nhiều nhà phân tích kinh tế cho biết họ chưa từng thấy các khoản nợ ở khu vực tăng mạnh như thời gian gần đây

Các nền kinh tế châu Á sẽ dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng trong năm 2015 khi sự hồi phục của các nền kinh tế Nhật Bản, Ấn Độ bù đắp sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.

Đó là dự báo được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương công bố hôm 7-5. Theo báo cáo, GDP toàn khu vực sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 5,6% trong năm 2015 trước khi giảm nhẹ xuống 5,5% năm 2016. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục gây lo ngại khi tăng trưởng được dự báo chỉ ở mức 6,8% trong năm 2015 và 6,3% năm 2016. Trong khi đó, tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản dự kiến ở mức 1% năm 2015 và 1,2% năm 2016.

Ấn Độ, với thế mạnh xuất khẩu hàng hóa giá rẻ, sẽ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khu vực. Nền kinh tế thứ 3 của châu Á này có thể tăng trưởng 7,5% trong năm nay và năm tới, qua đó thuộc nhóm có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. Riêng kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6% trong năm 2015 trước khi giảm nhẹ xuống 5,8% vào năm 2016.

 

Tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ dẫn đầu thế giới bất chấp Trung Quốc chậm lại. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty Osaka Machine Tool tại Nhật BảnẢnh: BLOOMBERG

Tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ dẫn đầu thế giới bất chấp Trung Quốc chậm lại.

Trong ảnh: Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty Osaka Machine Tool tại Nhật Bản

Ảnh: BLOOMBERG

 

IMF nhận định sự nổi trội trong tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương so với phần còn lại của thế giới xuất phát từ sức tiêu thụ mạnh cùng lực lượng lao động trẻ, lãi suất thấp và giá dầu thô giảm thời gian qua. Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, dù còn khiêm tốn và chưa ổn định, cũng sẽ tiếp sức cho hoạt động xuất khẩu của các nước châu Á. Những yếu tố này dự kiến bù đắp ảnh hưởng của các điều kiện tài chính thắt chặt do luồng vốn đảo chiều, một phần do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Các chuyên gia kinh tế của IMF cũng bày tỏ lo ngại đối với nguy cơ tăng trưởng chậm lại nếu các nhà hoạch định chính sách trong khu vực không có những thay đổi cần thiết. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh hiện chưa phải lúc báo động mà mới dừng lại ở sự cảnh tỉnh.

Bên cạnh đó, IMF cảnh báo vẫn tồn tại những nguy cơ có thể kéo kinh tế khu vực theo chiều hướng ngược lại. Nguy cơ có thể đến từ sự tăng trưởng chậm hơn dự kiến của kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, đồng USD tăng giá đồng nghĩa với gánh nặng lớn hơn đè lên vai các doanh nghiệp mang khoản nợ lớn bằng đồng tiền này. “Các khoản nợ, đặc biệt là các khoản nợ ngoại tệ, đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Thế nên châu Á sẽ bị tổn thương hơn đối với các cú sốc trên thị trường tài chính” - IMF nhấn mạnh.

Nhiều nhà phân tích kinh tế cho biết họ chưa từng thấy các khoản nợ ở khu vực tăng mạnh như thời gian gần đây. Nợ của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2007-2014 và vượt quá 200% GDP. Nợ công của Nhật Bản thậm chí còn ở mức 250% GDP.

 

Vốn ồ ạt chảy khỏi Trung Quốc

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đang khiến giới chức Trung Quốc lo ngại tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và tìm mọi cách để ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt, trong đó có khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước không cắt giảm nhân sự. Ngoài ra, theo Reuters, những công ty nào không sa thải nhân viên sẽ được trợ cấp và giảm thuế.

Một nhà kinh tế giấu tên tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển có liên hệ với Bắc Kinh cho rằng vấn đề công ăn việc làm vẫn ổn cho đến giờ và giới lãnh đạo Trung Quốc lo về những rủi ro tài chính, nợ công... nhiều hơn. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi nhanh chóng mà dấu hiệu đầu tiên là việc chính quyền tỉnh Liêu Ninh vào tháng 4 đã cắt giảm chỉ tiêu về số lượng việc làm tạo ra trong năm 2015 - từ 700.000 xuống còn 400.000. Kinh tế tỉnh Liêu Ninh chỉ tăng trưởng 1,9% trong quý I/2015, thấp nhất trong số 31 tỉnh và vùng của Trung Quốc.

7,5 triệu cử nhân Trung Quốc sẽ tham gia thị trường lao động trong năm nay. Bà Julia Wang, một nhà kinh tế tại Ngân hàng HSBC ở Hồng Kông, cho rằng Trung Quốc không thể tránh được gia tăng tỉ lệ thất nghiệp về lâu dài, đồng thời khó đạt mục tiêu tạo 10 triệu việc làm mới trong năm nay. “Tuyển dụng có liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu tạo việc làm trong năm nay sẽ lâm nguy” - chuyên gia này nhận định.

Tương tự, ông Justin Yifu Lin, cựu phó chủ tịch của Ngân hàng Thế giới, cảnh báo nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục xuống dốc, số lượng người thất nghiệp có thể gia tăng trong lúc một số lĩnh vực đối mặt rủi ro tài chính.

Theo hãng tin Bloomberg, dòng vốn đang chảy khỏi Trung Quốc giữa lúc nhà đầu tư thấp thỏm vì triển vọng tăng trưởng kinh tế không sáng sủa và sự sụt giá của nhân dân tệ. Số liệu được Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc công bố hồi tháng 4 cho thấy đã có 23,8 tỉ USD “tháo chạy” khỏi nước này trong tháng 3, mức cao nhất trong ít nhất 1 năm qua. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 113 tỉ USD xuống còn 3.730 tỉ USD trong quý I/2015, mức giảm cao kỷ lục.

Phương Võ

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo