Theo hãng tin Reuters, WB cũng ước tính cháy rừng sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Indonesia lần lượt giảm ở mức 0,09% và 0,05% xuống còn 5% và 5,1% trong năm 2019 và 2020.
Số liệu trên được đưa ra dựa trên đánh giá tại 8 tỉnh bị ảnh hưởng cháy rừng ở Indonesia từ tháng 6 đến 10-2019 dù các nhà phân tích của WB cho biết cháy rừng vẫn tiếp tục kéo dài đến tháng 11. Báo cáo của WB nêu rõ: "Cháy rừng và khói bụi do thảm họa này gây ra đã tác động tiêu cực đáng kể lên kinh tế với thiệt hại tài sản trực tiếp là 157 triệu USD và tổn thất từ các hoạt động kinh tế liên quan là khoảng 5 tỉ USD". Indonesia ghi nhận hơn 900.000 người mắc các bệnh về đường hô hấp, 12 sân bay quốc gia phải tạm ngưng hoạt động và hàng trăm trường học đóng cửa vì ảnh hưởng của cháy rừng.
Theo thống kê, hơn 942.000 ha rừng và đất đã bị thiêu cháy tại Indonesia kể từ đầu năm đến giờ. Đây là con số thiệt hại cao nhất từ sau các vụ cháy rừng kinh hoàng hồi năm 2015, thiêu rụi 2,6 triệu ha đất và rừng. Giới chức địa phương cho rằng tình trạng cháy rừng gia tăng là do hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino khiến mùa khô kéo dài hơn.
Lượng khí thải carbon từ các đám cháy rừng tại Indonesia ước tính cao gần gấp đôi lượng khí thải từ các vụ cháy ở rừng Amazon - Brazil trong năm nay. Trung tâm Dự báo thời tiết châu Âu ước tính cháy rừng ở Indonesia đã thải ra môi trường tổng cộng 720 triệu tấn CO2 trong 11 tháng qua. Trong khi đó, việc phơi nhiễm với khói mù trong thời gian dài sẽ làm giảm sức khỏe con người, chất lượng giáo dục cũng như tác động tiêu cực đến hình ảnh sản phẩm dầu cọ - nông sản quan trọng của Indonesia - trên toàn cầu.
Bình luận (0)