Là quốc gia có số ca Covid-19 cao nhất thế giới, Mỹ đã bị trúng đòn nặng nề từ các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động và hàng triệu người mất việc làm. Theo báo cáo mới được chính phủ Mỹ công bố hôm 30-7, GDP của nước này trong quý II (giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6) năm nay đã giảm đến 32,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giảm cao chưa từng có kể từ khi các số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 1947.
Cùng ngày, theo đài ABC News, báo cáo mới của Bộ Lao động Mỹ cho biết 1,4 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần rồi. Ngoài ra, khoảng 17 triệu người vẫn đang nhận trợ cấp thất nghiệp. Thông tin trên khiến sức ép đang gia tăng lên Nhà Trắng và quốc hội trong việc tìm tiếng nói chung về một gói hỗ trợ thứ hai sau khi gói cứu trợ hiện nay hết hạn trong ngày 31-7.
Một cửa hàng bán lẻ đóng cửa tại TP Encinitas, bang California - Mỹ hôm 30-7Ảnh: Reuters
Khu vực đồng euro (gồm 19 quốc gia thành viên ở châu Âu) cũng chịu chung số phận như Mỹ với nền kinh tế trong quý II/2020 giảm 12,1% so với quý đầu tiên của năm. Theo đài CNBC, đây cũng là mức giảm nghiêm trọng nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được ghi nhận vào năm 1995. Đáng chú ý, GDP của nước Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro, trong quý vừa qua giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm kỷ lục kể từ khi số liệu này bắt đầu được theo dõi khoảng 50 năm trước.
Bi đát hơn là nền kinh tế Pháp với mức giảm 13,8% trong quý II/2020, thời điểm lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt để khống chế dịch bệnh tác động tiêu cực đến tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư của doanh nghiệp và thương mại. Theo Reuters, mức giảm trên dù sao vẫn thấp hơn dự báo đưa ra trước đó, như mức 17% của Văn phòng Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) hoặc 15,3% của một số nhà phân tích. Một số nền kinh tế khác của khu vực này cũng bị trúng đòn nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, như Ý (giảm 12,4%), Tây Ban Nha (18,5%)...
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tháng 6 dự báo hoạt động kinh tế của khu vực đồng euro hồi phục đáng kể trong quý III năm nay, so với 6 tháng đầu năm. Dù vậy, theo ECB, kinh tế khu vực này dự kiến giảm 8,7% trong năm 2020.
Nhiều diễn biến đáng lo
Ấn Độ hôm 31-7 ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày đạt mức cao kỷ lục là 55.078, nâng tổng ca nhiễm lên hơn 1,64 triệu. Đây là diễn biến đáng lo trong bối cảnh chính phủ quốc gia Nam Á này tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, phong tỏa nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế. Còn tại Nhật Bản, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike hôm 31-7 cảnh báo địa phương này có thể ban bố tình trạng khẩn cấp trở lại nếu tình hình dịch Covid-19 diễn biến xấu. Tuyên bố này được đưa ra sau khi số ca Covid-19 mới trong một ngày tại Tokyo tăng lên mức cao kỷ lục là 463, làm gia tăng nỗi lo về nguy cơ bùng phát dịch trở lại tại khắp nước Nhật.
Nước Úc cũng đang chứng kiến dịch Covid-19 nghiêm trọng trở lại. Riêng bang Victoria ghi nhận thêm 673 ca nhiễm và 8 ca tử vong hôm 31-7. Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews cùng ngày nói đến khả năng thực hiện thêm các biện pháp nghiêm ngặt hơn trong nỗ lực ngăn dịch bệnh thêm lây lan.
Tình hình cũng không khả quan tại Anh sau khi Bộ trưởng Y tế Matt Hancock hôm 30-7 cho biết sẽ siết chặt phong tỏa nhiều khu vực ở miền Bắc, nơi đang chứng kiến sự gia tăng lây lan của dịch Covid-19. Theo hãng tin Reuters, số ca nhiễm tại Anh hôm 30-7 tăng thêm 846 ca, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ hôm 28-6.
Xuân Mai
Bình luận (0)