Theo số liệu được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố hôm 15-2, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong 3 tháng cuối năm 2015 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức dự báo 1,2% của giới phân tích. So với quý trước đó, con số này giảm 0,4%.
Thực trạng ảm đạm càng tăng thêm thách thức cho Thủ tướng Shinzo Abe trong công cuộc vực dậy nền kinh tế trì trệ, nhất là khi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và tăng lạm phát mà ông khởi xướng năm 2013 (còn được gọi là Abenomics) vẫn chưa phát huy tác dụng. Trong quý IV/2015, tiêu dùng tư nhân - vốn chiếm tới 60% GDP Nhật Bản - giảm 0,8%, cao hơn mức dự đoán 0,6% của thị trường.
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm trong quý IV-2015 Ảnh: BLOOMBERG
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Junko Nishioka của Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking, chi tiêu cá nhân của người dân Nhật rơi vào tình trạng đặc biệt yếu ớt. Dù nền kinh tế số 3 thế giới phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng nội địa nhưng dân số lại ngày một già đi và teo tóp.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu - đầu máy quan trọng nhất của con tàu tăng trưởng kinh tế Nhật Bản - giảm tới 0,9%, một con số gây không ít sửng sốt sau khi tăng 2,6% vào quý trước đó. Nguyên nhân là do giảm sút hoạt động xuất khẩu sang Mỹ và các nền kinh tế đang nổi, trong đó có Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định Nhật cần bảo đảm tăng trưởng xuất khẩu mới có khả năng tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, sự tăng mạnh của đồng yen so với USD gần đây, riêng trong tháng 2-2016 tăng 6%, đang gây thiệt hại lớn cho các nhà xuất khẩu.
Theo chuyên gia kinh tế Masamichi Adachi tại Ngân hàng JPMorgan Chase & Co (Mỹ), nhiều khả năng chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ thực thi thêm các biện pháp kích thích trong phiên họp vào tháng tới.
Bình luận (0)