Theo báo cáo hằng quý mới đây của cộng đồng các nhà kinh tế trưởng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cuộc suy thoái toàn cầu ngày càng có khả năng xảy ra khi chi phí sinh hoạt tăng cao và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế giảm dần ở tất cả các khu vực.
Lặp lại quan điểm của Ngân hàng Thế giới (WB) tuần trước, gần 3/4 trong số 50 nhà kinh tế trong nhóm nói trên tin rằng có khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu. Tăng trưởng ở châu Âu dự kiến suy yếu vào năm 2023 trong khi tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải tại Mỹ, khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á và Mỹ Latin.
Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi cho rằng trong tình trạng lạm phát tăng vọt và lương thực tế giảm, cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt toàn cầu đang ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người dễ bị tổn thương nhất.
Các nhà kinh tế của WB tuần trước cho biết nhiều quốc gia sẽ không thể tránh khỏi suy thoái kinh tế. WB cho rằng chính sách tiền tệ được thắt chặt trên toàn thế giới có thể làm gia tăng căng thẳng tình hình tài chính đáng kể và gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm 2023.
Các container được xếp tại cảng Antwerp - Bỉ. Ảnh: REUTERS
Cũng theo báo cáo của WEF, bên cạnh việc gia tăng nghèo đói, mất an ninh lương thực và giá năng lượng cao, bất ổn xã hội có thể là hậu quả khó tránh khỏi, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp.
Các nhà kinh tế trưởng tại diễn đàn hầu hết nhất trí quan điểm về nguy cơ vỡ nợ ngày càng gia tăng ở các nước thu nhập thấp, tương tự như trường hợp của Sri Lanka.
Bất ổn địa chính trị cũng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine - Nga tác động đến nguồn cung cấp lương thực và năng lượng, khiến kinh tế suy giảm mạnh ở châu Âu.
Trong cuộc khảo sát, gần 90% nhà kinh tế dự báo rủi ro địa chính trị gia tăng sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kinh tế toàn cầu trong 3 năm tới. Cứ 10 nhà kinh tế được hỏi thì gần 7 người cho rằng căng thẳng địa chính trị cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu trong cùng kỳ.
Tại Mỹ, số liệu mới ngày 29-9 cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đã suy giảm 0,6% trong quý II/2022. Xét về mặt kỹ thuật, kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái khi có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Nhà đầu tư tỉ phú Stanley Druckenmiller tỏ ra kém lạc quan tại hội nghị hôm 28-9: "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chúng ta không chứng kiến cuộc suy thoái nào vào năm 2023".
Trong khi đó, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức công bố số liệu cho thấy tỉ lệ lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu tăng lên mức 10%, cao kỷ lục trong 70 năm qua. Các chuyên gia kinh tế Đức dự báo tỉ lệ lạm phát ở mức 2 con số sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới trong bối cảnh mùa đông đến gần và giá năng lượng có thể tiếp tục tăng cao.
Mức lạm phát trung bình tại Đức có thể tăng lên 8,8% vào năm tới, cao hơn so với mức 8,4% của năm nay và sẽ giảm còn 2,2% vào năm 2024. Theo Báo The Guardian (Anh), Thủ tướng Olaf Scholz cho biết nước này sẽ kích hoạt lại quỹ ổn định kinh tế 200 tỉ euro để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trước tình trạng giá khí đốt tăng cao.
Tại Anh, số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) hôm 30-9 cho thấy nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 0,2% trong quý II/2022, tăng so với mức giảm 0,1% được dự báo trước đó. Điều đó đồng nghĩa với việc nền kinh tế Anh vẫn chưa rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, ông Paul Dales, chuyên gia kinh tế tại Công ty Tư vấn tài chính Capital Economics (Mỹ), nhận định bức tranh tổng thể là nền kinh tế Anh vẫn đang trong tình trạng tồi tệ hơn mọi người nghĩ.
Bình luận (0)