Viễn cảnh kinh tế thế giới đang xấu đi do tranh cãi thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, theo kết quả một cuộc khảo sát được Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo (Đức) công bố hôm 12-8. Cuộc khảo sát này được tiến hành đối với 1.200 chuyên gia tại hơn 110 nước, trong đó cho thấy những kỳ vọng thương mại của họ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra vào năm ngoái.
"Các chuyên gia này dự báo tăng trưởng của hoạt động thương mại trên thế giới sẽ suy yếu đáng kể, bên cạnh sự sụt giảm của tiêu dùng cá nhân, hoạt động đầu tư…" - ông Clemens Fuest, chủ tịch Viện Ifo, nói với hãng tin Reuters.
Kết quả trên được công bố vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói chưa sẵn sàng đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, làm dấy lên nỗi lo thương chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới còn lâu mới kết thúc. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tuần rồi đưa ra dự báo u ám về kinh tế Trung Quốc nếu Washington tiếp tục tăng cường biện pháp thuế quan nhằm vào Bắc Kinh.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế Mỹ cũng khó tránh những tác động tiêu cực từ cuộc đối đầu này. Ông Lawrence Summers, cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng, vừa lên tiếng cảnh báo căng thẳng thương mại đang đẩy kinh tế thế giới tiến gần cuộc suy thoái đầu tiên trong 10 năm qua. Riêng tại Mỹ, theo ông Summers, nguy cơ suy thoái hiện cao hơn nhiều so với 2 tháng trước.
Container hàng hóa tại cảng Hamburg - Đức. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang là đối tác thương mại quan trọng của cả Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs Group (Mỹ) hôm 11-8 cho biết nỗi lo ngày càng tăng về nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới suy thoái giữa lúc căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang. Theo hãng tin Reuters, ngân hàng này không còn kỳ vọng hai bên đạt thỏa thuận thương mại trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ngoài ra, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý IV/2019 còn 1,8% (so với mức 2% trước đó) do tác động mạnh mẽ hơn dự kiến từ những diễn biến mới trong cuộc chiến thương mại Washington - Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây bất ngờ thông báo áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vẫn chưa bị đánh thuế trước đó. Bắc Kinh đáp trả bằng cách ngưng mua nông sản Mỹ và để đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất so với USD từ năm 2008, khiến Mỹ chính thức xem Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ.
Ngay cả kinh tế châu Âu cũng đang chịu thiệt hại từ cuộc chiến nói trên. Các chuyên gia đang chờ xem liệu tăng trưởng của Đức, động cơ kinh tế của châu Âu, có bị mất đà hay không thông qua các số liệu mới nhất dự kiến được công bố ngày 14-8. Trang Bloomberg dự báo kinh tế Đức trong quý II/2019 sẽ giảm 0,1% so với quý trước đó.
Số liệu vào tuần rồi cho thấy xuất khẩu của Đức trong tháng 6 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong lúc sản xuất công nghiệp giảm mạnh nhất trong gần 10 năm. Ngoài ra, các chỉ số về niềm tin của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư ở Đức bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Đáng chú ý, Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là đối tác thương mại quan trọng của cả Mỹ và Trung Quốc. Nếu thương chiến leo thang hơn nữa với việc Mỹ đánh thuế ôtô sản xuất tại châu Âu, bức tranh có thể càng thêm u ám.
Quan hệ Hàn - Nhật thêm rạn nứt
Hàn Quốc hôm 12-8 tuyên bố có kế hoạch loại Nhật Bản khỏi "danh sách trắng" các đối tác thương mại đáng tin cậy vào tháng 9 tới - một động thái ăn miếng trả miếng đe dọa làm rạn nứt hơn nữa quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước.
Danh sách đối tác thương mại của Hàn Quốc hiện được chia thành 2 nhóm, gồm các thành viên của 4 hiệp định kiểm soát xuất khẩu hàng đầu thế giới và các nước không phải thành viên. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết sẽ lập ra một danh sách mới gồm các quốc gia đã ký 4 hiệp định nói trên nhưng "không vận hành hệ thống kiểm soát xuất khẩu của họ theo nguyên tắc quốc tế". Ông Park Tae-sung, một quan chức cấp cao Bộ Thương mại Hàn Quốc, nói thêm Nhật Bản là quốc gia đầu tiên bị đưa vào danh sách mới này nhưng không cung cấp chi tiết.
Theo quy định mới, các công ty Hàn Quốc phải nộp đủ 5 loại giấy tờ khác nhau, so với 3 loại như hiện nay, để được cấp phép xuất khẩu sản phẩm nhạy cảm sang Nhật Bản. Quá trình phê duyệt có thể mất đến 15 ngày. Tokyo hiện chưa có bất kỳ phản ứng công khai nào sau tuyên bố nói trên nhưng một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói với đài NHK rằng nước này sẽ có phản ứng sau khi phân tích quyết định của Hàn Quốc.
Hồi đầu tháng này, Nhật Bản thông báo loại Hàn Quốc khỏi danh sách trắng các quốc gia đối mặt hạn chế thương mại tối thiểu với lý do xói mòn lòng tin. Các hội đồng địa phương Hàn Quốc hôm 12-8 yêu cầu Nhật Bản rút các hạn chế xuất khẩu và đối thoại để tìm giải pháp ngoại giao cho bất đồng thương mại song phương.
Xuân Mai
Bình luận (0)