Trung Quốc hôm 3-3 ghi nhận thêm 126 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra dịch Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 80.152 ca.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), đây là số ca nhiễm mới thấp nhất trong một ngày kể từ khi giới chức chia sẻ dữ liệu vào tháng 1. Cùng giai đoạn, số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Trung Quốc tăng thêm 33 người, lên tổng số 2.945 người. Nếu không tính "tâm dịch Hồ Bắc", Trung Quốc chỉ ghi nhận thêm 11 ca nhiễm vào ngày 2-3.
Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, SARS-CoV-2 dường như đang lây lan bên ngoài nhanh hơn rất nhiều so với bên trong Trung Quốc.
Tại buổi họp báo hôm 2-3, ông Ghebreyesus khẳng định trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới ở các nước khác cao gần gấp 9 lần số ca nhiễm mới ở Trung Quốc. Cũng theo ông Ghebreyesus, rủi ro virus lây lan hiện đang rất cao ở mức độ toàn cầu. Hàn Quốc, Ý, Iran và Nhật Bản hiện là những quốc gia có tình hình dịch bệnh đáng lo ngại nhất, ông Ghebreyesus nói thêm.
Cùng ngày, Latvia, Ả Rập Saudi, Senegal và Morocco đồng loạt thông báo những ca nhiễm mới, nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên 77. Tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 trên toàn thế giới tính đến ngày 3-3 đã vượt mốc 3.000 người, trong đó có 52 người tại Ý và 6 người tại Mỹ - tăng thêm lần lượt 18 và 4 người so với 1 ngày trước đó.
Ảnh chụp một cửa hàng bán quà lưu niệm Thế vận hội Mùa hè 2020 vắng khách vì Covid-19 tại Tokyo hôm 3-3. Ảnh: REUTERS
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hôm 2-3 cảnh báo Covid-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo OECD, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay nhiều khả năng chỉ đạt 2,4% - giảm 0,5 điểm % so với dự đoán hồi tháng 11-2019 và là mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Cũng theo tổ chức có trụ sở tại Paris này, kinh tế thế giới có thể phục hồi mức tăng trưởng 3,3% vào năm 2021 nếu Covid-19 đạt đỉnh ở Trung Quốc trong quý đầu của năm 2020 trong khi tình hình dịch bệnh tại những quốc gia khác không nghiêm trọng và trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu virus lây lan khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay có thể rơi xuống mức 1,5%.
"Thông điệp chính từ kịch bản này là Covid-19 có thể đẩy nhiều quốc gia vào suy thoái kinh tế. Đây là lý do vì sao chúng tôi đang kêu gọi triển khai các biện pháp ứng phó càng sớm càng tốt tại những khu vực bị ảnh hưởng" - bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD, khẳng định với Reuters.
Trong khi đó, theo một quan chức giấu tên của Nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), nhóm này đang soạn thảo một tuyên bố nói về kế hoạch xoa dịu tác động kinh tế của Covid-19. Trong tuyên bố này, dự kiến được đưa ra vào ngày 3 hoặc 4-3, các nước G7 sẽ cam kết hợp tác để giảm thiểu thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra. Cũng theo quan chức này, nội dung của tuyên bố có thể thay đổi bởi mọi thứ vẫn đang được thảo luận.
Ông Stephen Innes, chuyên gia phân tích thị trường của Công ty AxiCorp (Úc), tỏ ra thất vọng với thông tin trên khi khẳng định các thị trường tài chính đang mong chờ những biện pháp hỗ trợ rõ ràng hơn từ G7, chứ không phải một tuyên bố mơ hồ như vậy.
Mỹ - quốc gia giữ cương vị chủ tịch G7 năm nay - trong một tuyên bố cùng ngày cho biết các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm tiến hành một cuộc gọi hội nghị vào ngày 3-3 để bàn về các biện pháp đối phó Covid-19, cũng như tác động kinh tế mà nó gây ra.
Nhiều cổ phiếu đã tăng giá mạnh vào ngày 2-3 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cùng các ngân hành trung ương từ Nhật Bản, Anh và Pháp tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ kinh tế thế giới. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Úc đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 3-3 "để đối phó mối đe dọa gia tăng từ Covid-19".
Bình luận (0)