Ông Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh chính phủ cam kết bảo đảm tăng trưởng lâu dài ở mức từ trung bình đến nhanh. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế người Hồng Kông Liu Li Gang, Giám đốc Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand, các nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng nền kinh tế số 2 thế giới có thể “hạ cánh nhẹ nhàng”.
Vấn đề giá dầu cũng được quan tâm đặc biệt tại sự kiện hằng năm quy tụ hơn 2.500 đại biểu đến từ 140 nước này. Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Abdullah al-Badri tự tin: “Giá dầu sẽ ở mức thấp hiện nay thêm 1 tháng nữa. Sau đó, tôi tin chắc giá sẽ tăng trở lại”. Không lạc quan như vậy, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Anh BP Bob Dudle nhận định giá dầu có thể ở mức thấp trong khoảng 1-3 năm nữa mới có sự hồi phục rõ rệt.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Eni (Ý) Claudio Descalzi cho rằng lần đạt đỉnh tiếp theo của giá dầu có thể cán mốc 200 USD/thùng. Theo ông Descalzi, ngành công nghiệp dầu khí sẽ giảm đầu tư 10%-13% trong năm 2015 vì giá dầu giảm. Điều này về lâu dài sẽ tạo ra sự khan hiếm và đẩy giá dầu tăng mạnh trở lại trong 4-5 năm tới.
Hôm 22-1, giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố gói kích cầu thông qua chương trình mua trái phiếu hằng tháng để vực dậy nền kinh tế khu vực đồng euro. Trong nỗ lực ngăn chặn giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng, theo đài BBC, ECB quyết định chi 60 tỉ euro/tháng để mua trái phiếu chính phủ từ tháng 3-2015 cho đến cuối tháng 9-2016. Tổng giá trị gói kích cầu có thể lên tới 1.100 tỉ euro, gấp đôi dự đoán trước đó của giới chuyên gia. Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp, giới hoạch định chính sách và học giả nổi tiếng tại WEF đã cảnh báo châu Âu không nên chỉ dựa vào ECB để giải quyết các vấn đề của mình.
Bình luận (0)