Reuters ngày 17-3 cho biết trong một lá thư gửi đến NATO ngày 10-3, bà Osmani nhấn mạnh sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở nước láng giềng Ukraine, việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là ưu tiên an ninh quốc gia chính của mình.
"Để Kosovo trở thành một thành viên của NATO là điều bắt buộc. Chúng tôi bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng rằng Mỹ sẽ sử dụng khả năng lãnh đạo và ảnh hưởng của họ để chủ động hỗ trợ và giúp đỡ Kosovo trở thành một thành viên của NATO" - bà Osmani viết trong lá thư.
Các quan chức NATO không bình luận khi được Reuters liên lạc.
Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani. Ảnh: Reuters
Kosovo tuyên bố độc lập từ Serbia vào năm 2008 và được một số quốc gia khác công nhận. Ảnh: RFE/RL
Mỹ vẫn được xem là nhà ủng hộ chính của Kosovo, cả về chính trị lẫn tài chính. Quốc gia nhỏ ở vùng Balkan này tuyên bố độc lập từ Serbia vào năm 2008 và được một số quốc gia khác công nhận.
Reuters cho biết Serbia và đồng minh Nga không công nhận độc lập của Kosovo. Belgrade coi Kosovo là một phần lãnh thổ của mình.
Hiện tại, khoảng 50.000 người Serbia sống ở khu vực phía Bắc Kosovo, giáp với Serbia, cùng những người được Belgrade hậu thuẫn đều từ chối công nhận chính quyền của Kosovo.
Kể từ năm 1999, Kosovo nhận được sự bảo vệ của lực lượng NATO sau khi liên minh quân sự này can thiệp để ngăn chặn các vụ giết hại người dân tộc Albania.
Kosovo có dân số khoảng 1,8 triệu người. Ý định gia nhập NATO của quốc gia này có vẻ sẽ gặp nhiều trắc trở vì 4 thành viên NATO gồm Romania, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Slovakia vẫn chưa công nhận tuyên bố độc lập năm 2008 của Kosovo.
Khoảng 3.770 binh sĩ NATO đang đồn trú ở Kosovo, trong đó có 600 binh sĩ của Mỹ.
Bình luận (0)