icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỳ 4: Cuộc chiến tranh bí mật tại Lào

Air America đã không thể trở thành hãng hàng không hùng mạnh nhất thế giới nếu như chỉ hoạt động giới hạn trong những phi vụ mật hỗ trợ cho CIA. Thành công của Air America là nhờ vào cuộc chiến bí mật mà CIA tiến hành tại Lào cùng lúc với việc Lầu Năm Góc huy động một tổ hợp công nghiệp quân sự hùng mạnh cho cuộc chiến Việt Nam. CIA lúc đó đã duy trì một lực lượng lính đánh thuê bí mật tại Lào được khoảng mười năm và chính Air America đã hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động tiếp viện đường không.

Sống chung với hổ

Lào là một đất nước đầy núi non và hẻo lánh, chỉ có vài con đường huyết mạch và nếu di chuyển dài ngày là cả một vấn đề nan giải.

Do đó, cuộc chiến bí mật này trong một địa hình hiểm trở như thế đòi hỏi phải có những loại máy bay đặc biệt và Air America đã chào hàng những kiểu máy bay đặc dụng. Không kể đến trực thăng, máy bay STOL có khả năng cất cánh và hạ cánh trên một đường băng ngắn, chỉ cần dài bằng một sân bóng đá là đủ.

CIA đã quan tâm đến một kiểu máy bay được chế tạo bằng cao su có thể bơm phồng lên được và có thể đáp bằng dù. Đó là máy bay Goodyear nặng 136 kg. Song, loại máy bay này có tầm hoạt động hạn chế và thiếu các tính năng của STOL. Cuối cùng CIA đã chọn đưa vào lãnh thổ Lào một loại máy bay có tên là Helio-Courier, bay với vận tốc 300 km/giờ và có thể hạ cánh trên một đường băng chỉ dài 40 m và có địa thế nguy hiểm.

Nhưng tồi tệ nhất là tình hình tại Phong Saly, gần biên giới Trung Quốc. Tại đây, ban đêm hổ ra dạo chơi nhởn nhơ trên đường băng, nhiều đến nổi các lính mũ nồi xanh của lực lượng đặc biệt bắt buộc phải giết chúng bằng cách gài lựu đạn vào những con gà rồi nhử chúng đến bắt. Đường băng ở đây dài 200 m, ngang 60 m và đạt tiêu chuẩn cho các máy bay STOL.

Và khi cuộc chiến lan rộng, người Mỹ xây dựng thêm nhiều đường băng nữa trong rừng rậm.

Đa số các phi công đã từng tham gia hai cuộc chiến Triều Tiên và Việt Nam đều nhất trí cho rằng ở Lào là nơi họ bị bắn tỉa nhiều nhất, bởi lẽ tại đất nước này, một cuộc chiến tranh chính thức là không có, nhưng là nơi mà Air America lại bị mất nhiều phi công nhất.

“Gạo cứng” và tiền thưởng!

Nếu như năm 1962 là một năm tương đối yên tĩnh thì bước sang năm 1963, CIA chuyển qua giai đoạn tấn công mạnh tại miền Bắc Lào. Các trực thăng và máy bay Helio-Courier của Air America đã không vận hàng ngàn chiến binh người Mèo đã được huấn luyện kỹ lưỡng. Chẳng mấy chốc, một ngôi làng bị chiếm và các chiến sĩ của Pathet Lào bị loại khỏi vòng chiến, dân làng bị huy động làm đường băng cho các máy bay của Air America. Dân chúng tại đây được cung cấp lương thực và cả vũ khí đạn dược. Chiến lược lâu dài của CIA là tập trung dồn các bộ tộc sơn cước lên đỉnh núi và biến nơi này thành những chốt canh nhằm kiểm soát các thành phố và làng mạc nằm trong các thung lũng bên dưới của Pathet Lào. Đường băng của Air America tại Hong Non chỉ cách các hang đá vôi gần Sầm Nưa có 19 km, nơi đặt bộ chỉ huy của phong trào Pathet Lào.

Khoản kinh phí nhiều triệu đô la mà Quốc hội Mỹ thông qua nhằm vào các chương trình phát triển dân sự chủ yếu đã được sử dụng cho mục đích quân sự. Air America báo cáo thẳng thắn về các chiến dịch nhân đạo của mình là tiếp tế thóc gạo, chăn mền và thuốc men cho các bộ tộc thiểu số miền sơn cước, song họ lại im bặt về khoản tiếp tế bằng cái được gọi là “gạo cứng” gồm quân trang quân dụng, lựu đạn, đạn cối và vũ khí cho các chiến binh bí mật, trong các phi vụ thực hiện các “kế hoạch đen” mà trên thực tế tất cả các phi công đều đã trải qua. Các phi công được trả lương bằng tiền mặt. Cứ hai tháng một lần, họ nhận một phong bì: 50 đô la cho một chuyến thả hàng; và cứ ba phi vụ ban đêm thì được thưởng thêm 150 đô la.

Tahkli là một vùng đất rất rộng và bề ngoài chẳng khác gì các căn cứ US Air Force khác, nhưng với con mắt nhà nghề thì có thể nhận ra một cái gì đó rất khác lạ ở đây. Khu vực dành cho các phi vụ bí mật nổi lên như một tháp canh và một kho chứa hàng được bảo vệ cẩn mật bởi các lính Mỹ mặc quần áo dân sự thuộc CIA. Khi khu vực này đóng cửa, thậm chí phi hành đoàn của Air America cũng không được phép đến gần quá 30 m. Bên trong nhà kho có máy bay do thám U-2, về sau được thay thế bởi SR-71.

Những phi vụ mật tốn kém

Tim Parrish nói rõ : “Chương trình tuyệt mật này sử dụng các máy bay C-130 của US Air Force. Từ bốn phi hành đoàn vào giữa những năm 60 xuống còn một vào năm 1970. Một phi hành đoàn đã đâm vào núi và các nhóm khác thì tử nạn”. Nhiệm vụ của họ là thả hàng quân sự xuống các khu vực bị cấm lúc trời tối.

CIA và US Air Force đã đầu tư rất nhiều cho những chiến dịch nhạy cảm này. Bằng nhiều thủ thuật, họ cho ra đời những chiếc “máy bay ma”, với số hiệu giả, cả số sản xuất in trên động cơ cũng được làm giả nốt. Và nhóm kỹ thuật viên cơ khí phụ trách bảo dưỡng cũng phải tuân theo các “quy tắc an toàn” thuộc loại “tuyệt mật”. Khi đang thực hiện phi vụ tại một địa điểm cách xa căn cứ, nếu động cơ bị trục trặc thì tín hiệu cứu hộ được gửi ngay đến một căn cứ gần nhất và một nhóm kỹ thuật viên cơ khí được phái đến để “rã” hoặc phá hủy hoàn toàn động cơ đó. CIA đã lựa chọn cách “thủ tiêu” động cơ dù khá đắt tiền và sau đó máy bay tiếp tục phi vụ với một động cơ đã được “tẩy trùng”.

Fletcher Prouty, một sĩ quan phụ trách liên lạc giữa US Air Force và CIA, cho biết: “Mỗi lần CIA cần một máy bay của US Air Force, tôi cung cấp cho họ và không quên cài người của mình vào, ít nhất cũng là một nhân viên nạp nhiên liệu. Người này có thể ghi lại giờ cất cánh, giờ quay về và những ai có mặt trên máy bay. Nói cách khác, tôi thực hiện một hoạt động phản gián nhằm có thể theo dõi đường đi nước bước của CIA. Song trên thực tế, không thể nào theo dõi mọi nhất cử nhất động trên không khi họ thực hiện các phi vụ nói trên. Còn riêng đối với chúng tôi – US Air Force – điều quan trọng là mình có thể biện minh cho mọi hành động tham gia nói trên. Mỗi khi cho mượn máy bay, chúng tôi muốn chắc chắn rằng mọi việc đều không để lại dấu vết nào liên lụy đến chúng tôi. Hiển nhiên, máy bay có thể được xác định như thuộc về một kiểu mẫu phục vụ cho US Air Force và được đơn vị khác sử dụng, như tại Pakistan, và chúng tôi có thể phân tán trách nhiệm”.

Hàng rào điện tử “mù”

Vào đầu cuộc chiến, vì không đủ các phi công người Lào và người Mèo nên các phi vụ ném bom vào các vị trí của Pathet Lào và Bắc Việt trên đường mòn Hồ Chí Minh thường do các phi công của Air America đảm trách sau khi nhận được yêu cầu giúp đỡ từ các phi công T-28 mang phù hiệu của Hàng không Hoàng gia Lào.

Vào tháng 2 năm 1970, báo chí đã làm rùm beng về tai nạn của một máy bay C-130 khiến toàn bộ phi hành đoàn tử nạn. Nguyên nhân tai nạn có thể là do con người. Parrish nói: “Quá mệt mỏi. Tháng đó, tôi đã bay 182 giờ. Không còn sức lực nữa. Và phải bay trong một tình trạng đầy rủi ro. Tôi cứ cảm thấy mình sắp ngã quỵ. Nhưng tôi vẫn tiếp tục bay”.

Các phi công Air America còn tham gia vào một kế hoạch do Washington triển khai: Đó là hệ thống hàng rào điện tử McNamara - một tham vọng đã ngốn đến ba tỉ đô la để rồi... thất bại.

Nhằm mục đích giúp định vị chính xác các hoạt động của các đoàn quân Bắc Việt xuống miền Nam Việt Nam và qua Lào, “hàng rào” này là một hệ thống đặc biệt có gắn các thiết bị bắt sóng điện tử liên kết với một máy tính trung tâm qua trung gian là những máy bay Air America cất cánh từ Savannakhet và bay do thám bên trên vùng biên giới vào ban đêm. Nhiệm vụ này đối với phi công thật nhàm chán và nguy hiểm. Họ phải bay ở tầm cao, trong những buồng lái không được điều áp, thường xuyên bị rơi vào giữa những cơn gió lốc kéo dài khoảng bảy đến tám giờ.

Theo Fletcher Prouty, “biết bao đô la đã bị ném vào vực thẳm. Họ trồng những thiết bị bắt sóng như bạn trồng những cây cảnh, rồi về nhà và đợi chúng “nở hoa”. Đúng là họ đã sử dụng nhiều thiết bị hiện đại có thể phát hiện tiếng động và nhiệt độ cơ thể sinh vật. Song, khi được thiết kế trên bản vẽ, trong các văn phòng đầy đủ tiện nghi thì kế hoạch này thật là lý tưởng. Nhưng trên thực tế, các “con bọ điện tử” này không tài nào phân biệt được một con trâu với một con người. Chúng thường xuyên phát tín hiệu báo động sai, khiến một thời gian sau đó, chẳng ai còn dám tin tưởng vào chúng nữa”. Mặt khác, sau một thời gian, đối phương cũng đã biết cách đối phó.

CIA còn tung ra một kế hoạch khác nhắm vào việc làm kiệt quệ nền kinh tế. Họ thả xuống các loại tiền của Pathet Lào được làm giả, với giá trị lên đến vài triệu đô la. Các phi công phải thả các kiện hàng tiền giả như thế trên đường quay về căn cứ sau các phi vụ do thám trên không phận Cộng sản.

Robert Wofford xác nhận: “Chúng tôi phải thả xuống các kiện hàng chứa tiền giả: 90 kg hàng tương đương với vài trăm triệu kíp (đơn vị tiền tệ của Lào).

Kỳ tới: Xúp nóng

(*) Xem Báo NLĐ từ số ra ngày 8-9-2003

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo