Trước đó, theo WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã đạt mốc kỷ lục 17,24 độ C ngày 7-7. Trang UN News dẫn lời ông Christopher Hewitt, chuyên gia WMO, cho biết thế giới có thể chứng kiến nhiều kỷ lục hơn nữa khi hiện tượng thời tiết El Nino tiếp tục phát triển.
Cũng theo báo cáo, nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục trong cả 3 tháng 5, 6 và 7-2023, cho dù El Nino chỉ mới bắt đầu. WMO lo ngại việc kỷ lục về nhiệt độ cao liên tục bị phá đe dọa tàn phá các hệ sinh thái và môi trường.
Người dân di chuyển trên con đường ngập nước trong mưa lớn ở TP Kurume, tỉnh Fukuoka - Nhật Bản hôm 10-7 Ảnh: KYODO
Một tác động đáng chú ý là khi bầu khí quyển ấm hơn, nó có thể giữ nhiều hơi ẩm hơn, làm gia tăng lượng mưa do bão gây ra.
Theo nhà khí tượng Rodney Wynn từ Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ, cứ tăng 1 độ C thì bầu khí quyển giữ lượng hơi ẩm nhiều hơn khoảng 7%. Một số nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ… hiện chứng kiến các trận lũ lụt chết người và nhiều nhà khoa học cho rằng chúng có cùng điểm chung nói trên.
Trong khi đó, mưa lớn gây lở đất và lũ quét tại thủ đô New Delhi - Ấn Độ khiến ít nhất 15 người thiệt mạng trong vài ngày qua, buộc các trường học đóng cửa hôm 10-7. Cùng ngày, thiên tai tương tự ở miền Tây Nam Nhật Bản cũng khiến 2 người thiệt mạng và ít nhất 6 người mất tích.
Trong khi đó, lũ lụt tại hạt Ulster, bang New York - Mỹ bị xem là tồi tệ nhất từ khi bão Irene hoành hành năm 2011.
Bình luận (0)