Chẳng ai nghi ngờ rằng kỷ nguyên của những chiến binh robot, vũ khí tự khai hỏa và những máy bay không người lái (UAV) đã đến, đặc biệt là đối với người Mỹ. Việc sử dụng những robot chiến đấu trong các cuộc xung đột là điều không thể tránh khỏi và sẽ làm thay đổi đáng kể cách thức tiến hành cuộc chiến.
Robot thay thế lính chiến
Nhìn chung, robot đang trở nên nhỏ gọn hơn, rẻ tiền hơn và có mặt ở nhiều nơi hơn. Còn robot có thể làm chết người đang ngày càng có thể giết nhiều người hơn và biết phân biệt đâu là chiến binh và đâu không phải là lính chiến. Cấp độ tự động sẽ là yếu tố then chốt quyết định vai trò của robot trong chiến trận và nhiều khả năng tiến triển theo 3 thế hệ: bán tự động, tự động hạn chế và hoàn toàn tự động. Có thể hình dung về thế hệ robot giết người hoàn toàn tự động qua bộ phim “The Terminator” (Kẻ hủy diệt) năm 1984. Thế nhưng, trên thực tế, loại robot giết người hoàn toàn tự động được sử dụng trong chiến tranh nhiều khả năng sẽ là những robot thực hiện chức năng bắn giết hơn là mang hình dạng con người.
Xu hướng tiến hành chiến tranh robot có thể dần chuyển các trận chiến, kể cả trận đánh bộ binh, thành những trận đánh được kiểm soát từ xa hoặc thậm chí là theo dõi từ xa, nếu vận dụng các chức năng tự động nhất định. Nói cách khác, người lính chiến và robot của họ ở những nơi khác nhau và người lính có thể vận hành chúng mà ít bị nguy hiểm. Do không bị đe dọa đến tính mạng, người lính sẽ có thể bình tĩnh điều khiển robot và đạt chiến tích cao.
Chiến tranh robot sẽ thực sự kéo giảm thương vong và giúp giải quyết các vấn đề nguồn nhân lực khác nữa. Nếu công việc chủ yếu của người lính là vận hành và theo dõi robot từ xa, những yêu cầu về thể chất và tâm lý ít nặng nề hơn so với các tiêu chuẩn hiện tại. Kết quả là chương trình huấn luyện bộ binh có thể giảm bớt nhiều, dẫn đến giảm chi phí.
Trường hợp chiến tranh trong tương lai phụ thuộc quá nhiều vào robot, cuộc chiến đấu sẽ kém hiệu quả nếu robot bị tổn thất. Khi ngày càng nhiều binh sĩ vận hành robot từ xa thay vì chiến đấu trực tiếp trên chiến trường, khuôn mẫu quân sự sẽ thay đổi. Thêm vào đó, một khi người lính quen với trạng thái ở cách xa chiến trường, có thể bản thân họ sẽ không sẵn lòng tham gia chiến đấu khi cần. Ngoài ra, người lính với những chuẩn mực thấp về thể chất và tâm lý có thể không thích hợp cho công tác chiến đấu, các vị chỉ huy của họ cũng có thể không tự tin khi tuyển mộ binh sĩ thay vì robot.
UAV nhiều nhưng chi phí thấp
Nói về robot quân sự, không thể không nhắc đến các loại UAV. Căn cứ vào bản báo cáo gần đây của cơ quan nghiên cứu thuộc quốc hội Mỹ, khoảng 31% số máy bay quân sự của Mỹ là UAV và những cỗ máy biết bay này thực sự đang làm thay đổi cách tiến hành chiến tranh trên thế giới.
Con số trên cho thấy sự gia tăng đáng kinh ngạc về số lượng UAV trong vòng 10 năm qua khi loại máy bay tự lái này chỉ chiếm 5% tổng số máy bay chiến đấu của Mỹ vào năm 2005. Quân đội Mỹ hiện sử dụng nhiều thế hệ UAV, từ loại máy bay do thám tầm gần Raven (Quạ) đến loại săn mồi nổi tiếng Predator (Thú ăn thịt sống) có gắn tên lửa. Dĩ nhiên là đại đa số loại máy bay này khá nhỏ, có thể được phóng bằng tay. Raven là loại được sản xuất nhiều nhất, 1.300 chiếc đã được giao cho quân đội so với đơn đặt hàng 2.200 chiếc. Trong khi đó, các hung thần Predator và Reaper (Thần chết) được nói đến nhiều nhất và đáng sợ nhất dù chỉ khoảng 160 chiếc đang được sử dụng. Chúng có thể mang theo vũ khí hạng nặng, kể cả tên lửa Hellfire và thường được vận hành từ xa bởi những người điều khiển được bố trí ở… Mỹ.
Binh sĩ Mỹ ở Afghanistan ngày càng dựa nhiều hơn vào thông tin tình báo thu thập từ UAV và Tổng thống Barack Obama gần đây đã ngỏ lời khen ngợi độ chính xác và sự thành công của các vụ không kích do UAV thực hiện nhằm vào các mục tiêu khủng bố hàng đầu ở Pakistan. Trong khi đó, theo website Singularity Hub, tất cả quân đội tiên tiến trên thế giới, từ Israel đến Nga, dường như đều cải thiện tiềm lực UAV của mình.
Báo The Diplomat tiết lộ quân đội Mỹ gia tăng số lượng UAV bởi vì hiện nay UAV chiếm đến 31% tổng số máy bay quân sự nhưng chỉ ngốn 8% ngân sách dành cho chiến đấu cơ. Gần 40 chiếc Predator và Reaper đã rơi ở Afghanistan và Iraq (còn con số Raven bị tổn thất cao hơn nhiều). Tuy nhiên, tỉ lệ tổn thất loại thợ săn Predator đã giảm đáng kể, từ 20 trường hợp/100.000 giờ bay năm 2005 xuống còn 7,5 trường hợp/100.000 vào năm 2009. Tỉ lệ thiệt hại thấp như trên đã đặt Predator (và cả Reaper) ngang hàng với chiến đấu cơ F-16! Hơn nữa, phi công vận hành không bao giờ mất mạng trong trường hợp UAV bị bắn hạ.
Người Mỹ sắp sửa tung ra loại UAV thế hệ mới mang tên Avenger (Kẻ báo thù) có thể bay cao hơn, lâu hơn và nhanh hơn gấp đôi cũng như được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng hơn. Ngoài ra, các công ty tư nhân đang phát triển loại UAV được trang bị vũ khí sát thương để đặc vụ và cảnh sát biên phòng sử dụng. Song song đó, hải quân Mỹ còn phát triển cả chiến đấu cơ không người lái lẫn tháp pháo tự động có khả năng phá hủy UAV đối phương.
Viễn cảnh chiến trường năm 2050
Một cuộc hội thảo ở bang Maryland hồi tháng 3-2015 do quân đội Mỹ tài trợ đã đi đến kết luận rằng con người sẽ là thiểu số trên chiến trường thời hiện đại trong khi thế hệ siêu nhân mới và robot đánh trận sẽ là 2 đặc điểm chủ yếu của trận chiến trên bộ vào năm 2050. Robot của chiến trường năm 2050 sẽ hoạt động theo đội ngũ giống như binh sĩ ngày nay. Những robot biết tự tổ chức và/hoặc hợp tác sẽ hành động với những cấp độ tự do khác nhau dưới những nguyên tắc ràng buộc nhất định. Những đội nhóm robot cũng như những cá thể robot sẽ thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. Các chuyên gia tin rằng đến năm 2050, một đơn vị bộ binh tác chiến sẽ gồm cả binh sĩ con người và robot, họ chiến đấu bên cạnh nhau.
Kỳ tới: Nga phát triển robot chiến sĩ
Bình luận (0)