Lã Tử Kiếm sinh vào năm Quang Tự thứ 19, tức 1893, tại Nghi Xương, Hồ Bắc trong một gia đình nhiều đời theo nghiệp võ, lập ra “Trường Thắng tiêu cục” nổi tiếng. Ông tinh thông cả hai phái Võ Đang và Nga My, luyện thành công phu “Du thân Bát quái Liên hoàn chưởng”. Năm 1920, tại Nam Kinh tổ chức đại hội Đả lôi đài toàn Trung Quốc, Lã Tử Kiếm lúc ấy 27 tuổi lần đầu tiên dự lôi đài đã đoạt ngôi vô địch, từ đó nổi danh khắp nơi. Ông từng đánh chết TomJohn - cận vệ nổi tiếng giỏi võ và hung tợn của tướng Marshall, chỉ huy quân đội Mỹ tại Trung Quốc dưới sự chứng kiến của Tưởng Giới Thạch và Marshall...
Ông là chủ tịch danh dự Hiệp hội Khí công quốc tế, chưởng môn đời thứ ba của chi phái Tử Tiêu thuộc phái Võ Đang, một trong ba đại võ sư có đẳng cấp wushu cao nhất Trung Quốc: 9 đẳng.
Anh của Hoắc Nguyên Giáp
Lã Tử Kiếm tự hào nói rằng mình được Hoắc Nguyên Giáp gọi bằng anh dù nhỏ hơn đến ngoài 20 tuổi. Giải thích về vấn đề này, Lã Tử Kiếm cho biết ông xuất thân là thế gia võ thuật, được xưng là “Thiếu Đông gia”. “Trường Thắng tiêu cục” của gia đình ông rất nổi tiếng với gần 900 võ sĩ, lại có rất nhiều “điểm” (cơ sở) ở nhiều đô thị, vì vậy giới võ lâm đều biết tiếng và tôn trọng. Lã Tử Kiếm lại kết giao với “Tam nhi”, tức Thẩm Tam, Bao Tam và Yến Tử Lý Tam là những cao thủ nổi tiếng ở Bắc Kinh, chuyên làm việc “lấy của người giàu chia cho người nghèo”.
Lúc ấy, Hoắc Nguyên Giáp ở Thiên Tân rất muốn kết giao với ba người kia, nhưng theo “hành quy” (quy ước riêng trong bang, hội) của giới võ lâm đương thời thì muốn làm quen cao thủ phải có người tiến cử và phải gọi người tiến cử bằng “huynh” bất kể tuổi tác. Vì thế khi Hoắc Nguyên Giáp đến Bắc Kinh chào hỏi Lã Tử Kiếm nhờ giới thiệu với “Tam nhi” thì phải gọi Tử Kiếm bằng “huynh”.
Ngày 1-6-1909, Lã Tử Kiếm và võ lâm đồng đạo, Hoắc Nguyên Giáp mở Tinh Võ thể dục hội tại Hồng Khẩu, Thượng Hải, thu nhận nhiều môn đồ cũng là cao thủ các phái như Trần Công Triết, Triệu Thiền Bá, Vương Duy Phiên, Lô Vĩ Xương...
Tinh Võ thể dục hội là tổ chức truyền bá võ thuật hoàn chỉnh nhất Trung Quốc bấy giờ, có tôn chỉ rõ ràng, mục tiêu cụ thể, quản lý và tập luyện theo khoa học, có huy hiệu và cờ riêng, lập giáo trình huấn luyện võ thuật có hệ thống. Nội dung huấn luyện thời kỳ đầu là tập hợp tinh hoa các môn phái Nam, Bắc quyền, đoàn kết phá vỡ lối thủ cựu. Về sau Tinh Võ còn phát triển các môn thể thao hiện đại như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bắn cung, trượt băng... lớp thanh thiếu niên gia nhập hội rất đông. Tinh Võ còn mở phân hội ở nhiều tỉnh thành khác, khí thế hừng hực, sức ảnh hưởng rất lớn. Quốc phụ Tôn Trung Sơn đánh giá rất cao, tặng 4 chữ “Thượng võ tinh thần”.
Hoắc Nguyên Giáp chết vì bị đầu độc
Theo ký ức của Lã Tử Kiếm, sau khi khai trương “Tinh Võ hội”, nhiều môn phái đến thăm hỏi, tặng quà lưu niệm, võ quán của người Nhật mở ở gần đấy cũng đến nhưng là tặng tấm biển với 4 chữ đầy sỉ nhục “Đông Á bệnh phu”. Hoắc Nguyên Giáp hỏi Lã Tử Kiếm nên xử lý thế nào, Tử Kiếm cũng nói 4 chữ “Trả lại cho chúng”. Hai người ôm tấm biển đến võ quán Nhật đập vỡ rồi về.
Đầu tháng 9-1910, hội trưởng Hiệp hội Judo Nhật Bản đưa hơn 10 cao thủ đến giao đấu đều bị Hoắc Nguyên Giáp và Lã Tử Kiếm đánh bại. Không ngờ phía Nhật thay đổi chiến thuật, biểu thị “quan hệ bạn bè”, lại còn giới thiệu học viên đến Tinh Võ hội học võ, tặng thuốc đại bổ “Phúc thọ cao” cho Hoắc Nguyên Giáp bồi bổ vì “ngài tuy cao nhưng gầy và xanh”.
Đến ngày 14-9, Hoắc Nguyên Giáp đột nhiên lâm bệnh nặng và qua đời ở tuổi 42. Sau này trong phim Tinh Võ môn, Lý Tiểu Long thủ vai đệ tử của Hoắc Nguyên Giáp là Trần Chân đi trả thù cho thầy. Kỳ thực, trong các đệ tử của Hoắc Nguyên Giáp không hề có nhân vật này.
Hoắc Nguyên Giáp qua đời, người em là Nguyên Khanh, con là Đông Các cùng các môn đệ kế thừa di chí phát triển Tinh Võ hội. Năm 1920, hội cử 5 võ sư Trần Công Triết, La Tiếu Ngạo, Lê Huệ Tăng, Trần Sĩ Siêu, Diệp Thư Điền sang các nước Việt Nam, Malaysia, Singapore... lập phân hội Tinh Võ (ở Việt Nam là sân Tinh Võ, Q.5 - TPHCM ngày nay). Sau đó hội phát triển dần sang Ấn Độ, Pháp, Canada, Nam Mỹ... đào tạo hàng vạn môn sinh. Đến năm 1927, theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái Nguyên Bồi, chính phủ Quốc dân phê chuẩn thành lập Trung ương Quốc thuật quán chuyên nghiên cứu và dạy võ thuật Trung Hoa trên cơ sở Tinh Võ thể dục hội. Nhờ đó mà wushu Trung Quốc mới được hệ thống hóa, phát triển như ngày nay.
Tân môn đại hiệp Hoắc Nguyên Giáp tự là Tuấn Khanh, sinh năm 1856 tại Thiên Tân, nguyên quán ở Thương Châu, Hà Bắc. Theo Thanh bại loại khảo thì dòng họ Hoắc là thế gia võ nghệ, 7 đời lừng danh quyền pháp, nổi tiếng với môn Mật Tông Quyền bí truyền luyện được thần lực. Môn võ này còn gọi là Yến Thanh Quyền, tương truyền do hai hảo hán Lương Sơn Bạc là Lư Tuấn Nghĩa và Yến Thanh sáng chế ra. Trong gia tộc họ Hoắc có Hoắc Điện Các là thầy dạy võ cho vị hoàng đế cuối cùng là Phổ Nghi, từng sử dụng Nhị chỉ thần công hạ gục võ sĩ thách đấu người Nhật mở lôi đài ở Thiên Tân, danh tiếng lẫy lừng. Thân phụ Hoắc Nguyên Giáp là Hoắc Ân Đệ, một tiêu sư nổi tiếng. Trong 3 người con thì Nguyên Giáp là gầy yếu nhất, thân phụ sợ học không thành tài sẽ bị người chê cười, ảnh hưởng đến tông môn nên kiên quyết không dạy võ nghệ, chỉ truyền nghề thuốc. Nhưng Nguyên Giáp có chí lớn, ban ngày thường lén ghi nhớ các chiêu thức cha truyền cho hai anh, ban đêm âm thầm luyện tập. Ròng rã mấy năm trời thì Hoắc Nguyên Giáp tinh thông quyền pháp Hoắc Gia, lại giỏi nghề thuốc, nội lực tăng tiến, cơ thể cường tráng, lúc này thân phụ mới đích thân truyền dạy. Về sau, Hoắc Nguyên Giáp sở đắc Mật Tông Quyền tổ truyền, võ công còn cao hơn cả cha và anh, lại hấp thu sở trường các môn quyền Bắc phái, nhất là Bát Cực quyền, hình thành một lối quyền pháp độc đáo riêng gọi là Mê Tông Quyền. Hoắc Nguyên Giáp là người gan dạ, trọng nghĩa. Năm Quang Tự thứ 24 (1898), biến pháp cải cách của Đàm Tự Đồng thất bại, Đại đao Vương Ngũ (Vương Tử Bân) tị nạn ở Thượng Hải được Hoắc Nguyên Giáp che chở, thân như ruột thịt. Sau Vương Ngũ bị hành hình ở Bắc Kinh, bị liên quân 8 nước bêu đầu thị chúng, Hoắc Nguyên Giáp đột nhập vào kinh thành trộm đầu đem về, lại được Lưu Ngạc (tác giả của Lão Tàn du ký) hỗ trợ, lấy được thân mình Vương Ngũ để hợp táng, trọn tình bằng hữu. |
Bình luận (0)