Lần đầu tiên trong gần 2 năm, các nhà lãnh đạo G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ) gặp gỡ trực tiếp để thảo luận những vấn đề toàn cầu cấp bách nhất, trong đó có biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch và đặc biệt là vắc-xin Covid-19. Xuyên suốt sự kiện 3 ngày bắt đầu từ ngày 11-6 tại hạt Cornwall (Anh) nêu trên, theo hãng tin AP, các nhà lãnh đạo sẽ công bố kế hoạch chia sẻ 1 tỉ liều vắc-xin Covid-19 cho các nước có thu nhập thấp (trong đó có Việt Nam) với một nửa trong số đó (500 triệu liều) từ Mỹ.
Trước thềm thượng đỉnh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 11-6 tuyên bố Anh sẽ bàn giao ít nhất 100 triệu liều vắc-xin cho những quốc gia nghèo nhất, đồng thời kêu gọi các nước G7 làm điều tương tự để chấm dứt đại dịch vào cuối năm 2022.
Trong số này, 80 triệu liều sẽ được Anh chia sẻ thông qua COVAX (cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu) và phần còn lại sẽ được cung cấp trực tiếp cho những quốc gia được họ lựa chọn. Thủ tướng Johnson cho biết thêm 5 triệu liều đầu tiên sẽ được bàn giao đến cuối tháng 9 cho những quốc gia cần nhất và phần còn lại sẽ được san sẻ trong năm sau.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 10-6, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở hạt Cornwall - Anh Ảnh: REUTERS
Kế hoạch trên được công bố vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết mua thêm 500 triệu liều vắc-xin của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) để chia sẻ cho 92 nước thu nhập thấp và Liên minh châu Phi thông qua cơ chế COVAX, với mục tiêu bàn giao 200 triệu liều đầu tiên đến cuối năm nay và phần còn lại trong 6 tháng đầu năm 2022.
Hoan nghênh cam kết của người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định châu Âu nên làm điều tương tự, đồng thời cho biết Pháp sẽ cung cấp ít nhất 30 triệu liều vắc-xin cho thế giới đến cuối năm nay, tương tự cam kết của Đức.
Trong khi Nhật Bản thông báo kế hoạch bàn giao 30 triệu liều vắc-xin sản xuất nội địa cho COVAX, Ý cam kết san sẻ cho thế giới ít nhất 15 triệu liều. COVAX đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 2 tỉ liều vắc-xin Covid-19 cho các nước có thu nhập thấp trong năm 2021, bao gồm 250 triệu liều đến cuối tháng 9. Trước những cam kết trên của G7, cơ chế này chỉ mới nhận được 150 triệu liều.
Các nhà lãnh đạo G7 thời gian qua đối mặt sức ép gia tăng về việc chia sẻ vắc-xin Covid-19 cho thế giới, đặc biệt là khi tình trạng bất bình đẳng vắc-xin ngày một trầm trọng. Mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã hối thúc G7 bàn giao 20% lượng vắc-xin Covid-19 của họ cho những quốc gia có thu nhập thấp hơn để tránh rủi ro vắc-xin bị hỏng. Tỉ lệ tiêm phòng Covid-19 giữa các nước giàu và nghèo đang có sự chênh lệch lớn. Trong khi Anh tuyên bố đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 41% dân số, tỉ lệ này ở Nepal chỉ khoảng 2,5%.
Chuyên gia Rob Yates của Trung tâm Nghiên cứu Chatham House (trụ sở London) khẳng định với đài NPR rằng G7 cần tích cực hơn trong nỗ lực san sẻ, hỗ trợ sản xuất vắc-xin và khuyến khích các công ty dược chia sẻ công nghệ cho những quốc gia có thu nhập thấp hơn, đặc biệt là tại khu vực Nam Á và châu Phi hạ Sahara. Nếu G7 không tăng tốc, theo ông Yates, nhóm nước này sẽ hướng đến những nền kinh tế khác để tìm kiếm nguồn cung vắc-xin, chẳng hạn như Nga và Trung Quốc.
Trong khi đó, chuyên gia Anna Marriott của Liên minh quốc tế Oxfam (chuyên về tìm giải pháp cho nghèo đói và bất công) khẳng định thế giới cần 11 tỉ liều vắc-xin để chấm dứt khủng hoảng Covid-19. Nhấn mạnh không thể để sinh mạng của hàng triệu người tại các quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào thiện chí của nước giàu và các tập đoàn dược khát lợi nhuận, vị này còn kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 ủng hộ đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin Covid-19. Mặc dù nhận được sự tán thành của Mỹ, ý tưởng này trước đó đã bị một số quốc gia như Anh và Đức phản đối. n
Bình luận (0)