Hầu hết dự báo đều cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2022 dù một số đe dọa lớn vẫn còn đó, nổi bật là sự hoành hành của biến thể mới Omicron, lạm phát gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, căng thẳng địa chính trị…
Ẩn số Omicron
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vẫn giữ nguyên dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 4,5% trong năm 2022. Dù vậy, nhà kinh tế trưởng Laurence Boone của OECD bày tỏ nỗi lo Omicron khiến mức độ bất ổn và rủi ro thêm cao.
Tương tự, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo Omicron có thể làm chậm lại sự phục hồi kinh tế toàn cầu như biến thể Delta từng làm. Trong báo cáo gần đây nhất, IMF dự báo kinh tế toàn cầu lần lượt tăng trưởng 5,9% năm 2021 và 4,9% năm 2022.
Ảnh: Moskva Agency
Ảnh: Sputnik
Thủ đô Moscow của Nga rực rỡ ánh đèn mừng năm mới. Ảnh: Tass
Ngoài dự báo về mức tăng trưởng 4,7%, Ngân hàng Đầu tư J.P. Morgan (Mỹ) còn lạc quan cho rằng năm tới sẽ đánh dấu sự kết thúc của Covid-19, trong lúc các điều kiện kinh tế và thị trường sẽ quay về bình thường như trước đại dịch.
Chuyên gia Marko Kolanovic của J.P. Morgan tin rằng 2022 là năm kinh tế toàn cầu hồi phục hoàn toàn nhờ miễn dịch cộng đồng rộng rãi và sự ra đời của các loại vắc-xin, thuốc điều trị mới.
Dự báo tích cực trên càng có cơ sở khi theo báo The Guardian (Anh), nhiều nhà khoa học đang nghiêng theo chiều hướng Omicron có thể là dấu hiệu cho thấy virus SARS-CoV-2 đang mất đi sức mạnh, bất chấp số ca lây nhiễm cao.
Không quá lạc quan như J.P. Morgan, các nhà phân tích tại Công ty Tư vấn Oxford Economics (Anh) lo ngại Omicron sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm và khiến phần lớn thế giới lại rơi vào cảnh phong tỏa trong năm tới. Nếu kịch bản xấu nhất này xảy ra, theo Oxford Economics, kinh tế thế giới có thể chỉ tăng trưởng 2,3%, so với mức 4,5% được đưa ra trước khi Omicron xuất hiện.
Một đường phố ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản được trang hoàng để chào đón năm mới 2022. Ảnh: REUTERS
Lạm phát xuống thang?
Ngoài dịch bệnh, dự báo của chuyên gia về lạm phát và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng có những khác biệt nhất định. Chẳng hạn, OECD cho rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2022 trước khi giảm dần xuống mức khoảng 3,5% tại 38 nền kinh tế thành viên tổ chức này, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản…
Cũng theo OECD, tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ giảm bớt khi dịch bệnh bớt nghiêm trọng, nhu cầu trở nên ổn định và nhiều người quay lại làm việc hơn.
Dù vậy, chuyên gia Boone của OECD nhấn mạnh mọi việc còn tùy vào mức độ nguy hiểm của Omicron. Nếu biến thể này trở nên nguy hiểm hơn, nhu cầu có thể bị ảnh hưởng nhưng điều này cũng góp phần làm giảm sức ép lên giá cả.
Ảnh: Reuters
Trong khi đó, tạp chí The Economist (Anh) trấn an rằng lạm phát sẽ không còn quá "nóng" trong năm 2022 bởi nhiều yếu tố. Giá năng lượng sẽ giảm vào mùa xuân nhờ nhu cầu giảm, sản lượng tăng và khả năng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Ngoài ra, khi tỉ lệ tiêm chủng ngày càng tăng sẽ có thêm nhiều người tái gia nhập lực lượng lao động trong lúc người tiêu dùng chuyển hướng sang chi tiêu cho các dịch vụ, từ đó xoa dịu tình trạng thiếu hụt hàng hóa.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với dự báo nhu cầu năng lượng sụt giảm trong năm tới. Theo Reuters, mức tiêu thụ dầu trên thế giới có thể lập kỷ lục mới vào năm tới trừ khi nguồn cung nhiều hơn kỳ vọng.
Ông Damien Courvalin, chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs, thậm chí không loại trừ khả năng giá dầu đạt mốc 100 USD/thùng (hiện nay trên dưới 80 USD/thùng).
Ẩn số ở đây chính là Omicron - biến thể đang khiến một số nước hạn chế đi lại kể từ khi xuất hiện hồi tháng 11-2021. Ông Courvalin cho rằng nếu xảy ra làn sóng Covid-19 khác những gì thế giới từng chứng kiến, tăng trưởng kinh tế sẽ trúng đòn trong quý I/2022. Tuy nhiên, nếu sự phục hồi diễn ra sau đó, nhu cầu dầu sẽ tăng cao kỷ lục trong phần lớn năm sau.
Một trung tâm thương mại ở thủ đô Bangkok của Thái Lan trang hoàng mừng năm mới. Ảnh: Reuters
Những con số đáng chú ý
Với sự tham gia của hơn 22.000 người đến từ 33 quốc gia, cuộc khảo sát trực tuyến của Công ty Ipsos (Pháp) cho thấy phần đông lạc quan về một năm 2022 tươi sáng hơn so với năm 2021.
77% người tham gia nói rằng 2022 sẽ là một năm tốt đẹp hơn so với năm 2021. Tỉ lệ này ở Nhật Bản chỉ là 54% nhưng lên đến 94% ở Trung Quốc.
60% tin rằng kinh tế toàn cầu sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2022, tăng từ 54% của năm trước đó.
56% tin rằng hơn 80% dân số thế giới sẽ được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 trong năm 2022. Dù vậy, 47% dự đoán một biến thể nguy hiểm mới sẽ xuất hiện.
71% khẳng định các thành phố ở quốc gia của họ sẽ lại nhộn nhịp khi người dân trở lại văn phòng. Tỉ lệ này ở Trung Quốc là 87%, so với 78% tại Argentina, Brazil và Colombia.
57% tin rằng lượng người "sống" trong thế giới ảo sẽ gia tăng. Tỉ lệ này ở Thổ Nhĩ Kỳ lên đến 77% nhưng chỉ còn 43% ở Anh, 36% ở Ả Rập Saudi và 18% ở Nhật Bản.
38% khẳng định chính phủ nước họ nhiều khả năng ban bố quy định nghiêm ngặt nhằm vào các công ty công nghệ lớn. Cuộc khảo sát riêng biệt Global Trends Survey 2021 của Ipsos cho thấy 83% tin rằng các công ty mạng xã hội có quyền lực quá lớn.
34% cho rằng vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng trong một cuộc xung đột đâu đó trên thế giới. Tỉ lệ này ở Thổ Nhĩ Kỳ là 52%.
60% nhận định quốc gia của họ sẽ hứng chịu nhiều thời tiết cực đoan hơn so với năm 2021. Tỉ lệ này chạm ngưỡng 72% ở Hà Lan, 69% ở Anh và 66% ở Bỉ sau khi nhiều quốc gia châu Âu bị lũ lụt tàn phá trong năm 2021.
Cao Lực
Bình luận (0)