Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đã chứng kiến phiếu bầu làm nên một loạt lịch sử, đánh dấu thành tựu lớn cho phái yếu và cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới).
Theo đài CNN, hai nữ ứng viên Đảng Dân chủ chạy đua vào Hạ viện là Sharice Davids và Debra Haaland trở thành những phụ nữ bản địa đầu tiên được bầu vào quốc hội.
Chiến thắng của bà Davids trước đối thủ Cộng hòa Kevin Yoder ở bang Kansas là một "chiến lợi phẩm" phát sinh cho Đảng Dân chủ - phe mới giành chiến thắng ở Hạ viện. Trong khi đó, bà Haaland thế chỗ của Hạ nghị sĩ Dân chủ bang New Mexico Michelle Lujan Grisham - người đã được bầu làm thống đốc Latin đầu tiên của Đảng Dân chủ cũng ở bang này.
Ứng viên Davids đến từ bộ tộc Ho-Chunk Nation và ứng viên Haaland là người bộ tộc Pueblo of Laguna. Bà Davids đăng ký ứng cử với tư cách người đồng tính nữ, điều này đồng nghĩa bà trở thành thành viên LGBT công khai đầu tiên của quốc hội. Trước khi vào Hạ viện, nữ chính khách này hành nghề luật sư và từng là một đấu sĩ.
Những phụ nữ làm nên lịch sử trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ: Rashida Tlaib, Alexandria Ocasio-Cortez và Sharice Davids Ảnh: REUTERS, AP
Cũng là thành viên Dân chủ, nữ ứng viên bang Michigan Rashida Tlaib cùng nữ đồng nghiệp bang Minnesota thuộc Đảng Dân chủ - Nông dân - Lao động Ilhan Omar trở thành những phụ nữ đạo Hồi đầu tiên vào quốc hội.
Bà Tlaib ngồi vào chiếc ghế bị bỏ lại của Hạ nghị sĩ Dân chủ John Conyers - người rời nhiệm sở năm ngoái giữa lúc bị cáo buộc hành vi tình dục sai trái. Còn bà Omar thế chân Hạ nghị sĩ Keith Ellison - người Hồi giáo đầu tiên được bầu vào quốc hội. Ông Ellison bỏ trống ghế Hạ viện để chạy đua vị trí tổng chưởng lý Minnesota năm nay.
Truyền thông Mỹ cho biết ngoài kỳ tích trở thành người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên trong quốc hội, bà Omar còn là thành viên Mỹ gốc Somalia đầu tiên của cơ quan này. Bà là người tị nạn tới Mỹ hơn hai thập kỷ trước.
Không kém phần gây chú ý, chiến dịch tranh cử chức thống đốc bang Colorado của Hạ nghị sĩ Dân chủ Jared Polis đánh dấu thành viên đồng tính công khai đầu tiên của quốc hội Mỹ sẽ trở thành thống đốc đồng tính đầu tiên.
Theo CNN, không phải là không có cơ sở khi cho rằng thắng lợi nở rộ của phái đẹp trong cuộc bầu cử năm nay chủ yếu nhờ phong trào đấu tranh chống lại Tổng thống Donald Trump, được bắt đầu kể từ sau kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Nữ giới Mỹ đã phá vỡ kỷ lục về số lượng người nộp đơn chạy đua vào quốc hội hay các bang. Ngoài ra, Hạ viện năm nay còn chứng kiến cô Alexandria Ocasio-Cortez ở New York lập kỷ lục phụ nữ trẻ nhất được bầu vào quốc hội trong lịch sử Mỹ khi tròn 29 tuổi hồi tháng rồi.
Bình luận (0)