Hiện tượng El Nino góp phần gây ra nắng nóng gay gắt ở Đông Nam Á trong những tuần gần đây. El Nino là hiện tượng gia tăng nhiệt độ mặt nước biển ở khu vực Xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương, thường gây thiệt hại mùa màng, lũ quét hoặc cháy rừng.
Tổ chức Khí tượng thế giới hồi đầu tháng 5 cảnh báo kiểu thời tiết này có thể góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chính phủ Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang kêu gọi nông dân chỉ trồng một vụ mùa trong năm nay thay vì hai vụ như thường lệ vì El Nino có thể làm giảm lượng mưa. Sản lượng gạo giảm có khả năng đẩy giá lương thực thiết yếu của hơn 1/2 dân số thế giới lên cao.
Đó là dấu hiệu ban đầu cho thấy điều kiện thời tiết phức tạp đang đe dọa sản lượng lương thực toàn cầu thế nào. Không chỉ đối với gạo, El Nino còn đặt ra rủi ro đối với sản lượng của các loại cây trồng gồm dầu cọ, cacao và đường, những mặt hàng mà Thái Lan cũng là nhà sản xuất chính.
Theo báo Bangkok Post, mùa mưa ở Thái Lan thường bắt đầu vào tuần thứ 3 của tháng 5 nhưng năm nay sẽ bắt đầu muộn hơn một chút với một đợt mưa ngắt quãng vào tháng 6.
Cơ quan cấp nước quốc gia Thái Lan đã lên kế hoạch quản lý các đập để giúp lưu trữ nước, điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của tất cả người dân, đặc biệt là nông dân.
Biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự khô hạn, ảnh hưởng nhiều đến các vụ mùa của nông dân Thái Lan những năm gần đây Ảnh: CNA
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hôm 12-5 cho biết có 80% khả năng El Nino sẽ diễn ra vào mùa hè ở Bắc bán cầu. Theo Reuters, Trung tâm Dự báo khí hậu Mỹ thuộc Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ hôm 11-5 dự báo hiện tượng El Nino có thể kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7, với hơn 90% khả năng hiện tượng này kéo dài sang mùa Đông ở Bắc bán cầu.
Úc có thể chứng kiến một mùa Đông khô hơn và ấm hơn sau 3 năm thời tiết ẩm ướt và khó lường, trong khi Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì, gạo và đường lớn thứ hai thế giới, sẽ có lượng mưa dưới mức trung bình do El Nino.
Do thời tiết khô và nóng bất thường, hơn 100 vụ cháy rừng đã bùng phát khắp tỉnh Alberta - Canada trong tuần trước. Canada đã triển khai quân đội để hỗ trợ các nỗ lực chữa cháy và khôi phục ở Alberta hôm 11-5 sau khi cháy rừng buộc hàng ngàn người sơ tán và khiến một số nhà sản xuất dầu khí phải đóng cửa hoạt động tại tỉnh sản xuất dầu thô chính của Canada.
Trong những năm gần đây, miền Tây Canada liên tục bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, nhiệt độ cao và tần suất tăng lên do sự nóng lên toàn cầu.
Ứng phó điều kiện thời tiết cực đoan, chính phủ Tây Ban Nha có kế hoạch chi 2,4 tỉ USD cho nguồn cung cấp nước mới, trợ cấp cho nông dân để giảm bớt tác động của tình trạng hạn hán kéo dài đã khiến sản lượng gạo, ngũ cốc và ô liu giảm.
Hiệp hội Nông dân Tây Ban Nha (COAG) cho biết tình trạng thiếu mưa đang ảnh hưởng đến 80% vụ mùa và gây thiệt hại không thể khắc phục đối với hơn 5 triệu ha diện tích cây trồng ngũ cốc.
Hành động trước khi quá muộn!
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa cho biết các đợt nắng nóng có xu hướng chủ yếu hoành hành tại châu Âu nhưng nay đã xảy ra ở châu Á. Nhiệt độ cực cao trong năm nay nhấn mạnh mối lo ngại về tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng tăng và thúc đẩy nhận thức về sự cần thiết phải giảm rác thải nhựa và các chất thải công nghiệp gây ô nhiễm không khí càng trở nên quan trọng hơn.
Bộ trưởng Varawut Silpa-archa cho rằng do con người đã hủy hoại môi trường trong nhiều thập kỷ nên sẽ mất nhiều năm nỗ lực để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu. Ông cho biết vẫn có đủ lượng nước dự trữ trong các con đập cho mùa khô năm nay nhưng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2024 và năm 2025. Do đó, các công trình dự trữ nước đầy đủ và hệ thống tưới tiêu hiệu quả là những bước chuẩn bị quan trọng.
Bình luận (0)