Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ, chỉ số đo biến động giá cả của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, trong tháng 11 đã tăng 0,8% so với tháng 10 và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng mạnh nhất tính từ tháng 6-1982.
Nguyên nhân của tình trạng này được cho là sự kết hợp của một số yếu tố bao gồm các gói kích thích kinh tế của chính phủ, mức lãi suất thấp do Cục Dự trữ liên bang điều chỉnh, thiếu hụt nguồn cung tại các nhà máy ở Mỹ và trên thế giới.
Giá năng lượng đã tăng 33,3% tính từ tháng 11-2020, trong đó riêng trong tháng 11 đã tăng 3,5%. Giá xăng tăng 58,1%. Giá thực phẩm tăng 6,1% so với cùng kỳ trong khi giá xe ô tô và xe tải đã qua sử dụng, một yếu tố quan trọng đẩy tăng lạm phát, tăng 31,4% sau khi tăng 2,5% hồi tháng trước.
Người dân mua sắm ở Bradford, bang Pennsylvania-Mỹ. Ảnh: Reuters
Việc chỉ số CPI tăng mạnh đang tạo áp lực đáng kể lên các hộ gia đình Mỹ, nhất là trong mùa mua sắm cuối năm. Điều này cũng sẽ gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp đảng Dân chủ trong việc đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 thông qua việc triển khai dự luật cứu trợ trị giá 1,9 ngàn tỉ USD ký hồi tháng 3.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Biden, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào khác và người dân Mỹ vẫn có nhiều tiền hơn so với một năm trước ngay cả khi đã tính đến việc giá tăng.
Theo đài CNBC, ông Randy Frederick, giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh và phái sinh tại quỹ Charles Schwab, cho hay: "Dù loại bỏ những yếu tố cực đoan do đại dịch gây ra thì lạm phát vẫn rất cao. Vẫn còn các yếu tố gây gián đoạn nguồn cung, lạm phát liên quan đến các sản phẩm bán dẫn".
Các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đã phát đi thông điệp rằng việc giảm các biện pháp hỗ trợ hoàn toàn cần thiết để kiềm chế lạm phát. Nhà đầu tư cho rằng FED sẽ tăng gấp đôi tốc độ thu hẹp chương trình mua tài sản, nhiều khả năng bắt đầu từ tháng 1-2022. Điều này cho phép FED có thể nhanh chóng nâng lãi suất từ mùa xuân năm sau.
Bình luận (0)