Theo TTXVN, đúng 8 giờ (giờ địa phương, tức 19 giờ Việt Nam) ngày 6-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quân sự Andrews ở thủ đô Washington D.C, bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ theo lời mời của chính phủ nước này.
Đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu có quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scot Marciel, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, cán bộ đại sứ quán, đại diện cộng đồng người Việt cùng đại sứ, đại diện các nước ASEAN tại Mỹ.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Mỹ
đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Mỹ. Chuyến thăm diễn ra sau 40 năm chấm dứt chiến tranh, 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ và 2 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa 2 nước.
Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương phát triển tích cực, ổn định trong thời gian tới, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Theo thông báo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, 2 bên cũng sẽ trao đổi, chia sẻ quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Trong thời gian lưu lại Mỹ (từ ngày 6 đến 10-7), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có lịch trình rất bận rộn. Ngoài cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng hôm 7-7 (giờ địa phương), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự kiến có nhiều hoạt động khác, bao gồm gặp gỡ đại diện các tầng lớp xã hội Việt Nam - Mỹ; gặp Thượng nghị sĩ John McCain; gặp các nghị sĩ thuộc 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa; trao đổi về “Quan hệ Việt Nam - Mỹ trong một thế giới đang thay đổi” tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS).
Tổng Bí thư còn dự tọa đàm với doanh nghiệp Mỹ; tham dự buổi Lễ trao Giấy phép xây dựng Trường ĐH Fullbright tại Việt Nam và gặp nhóm trí thức của Trường ĐH Harvard; gặp cựu Tổng thống Bill Clinton cùng một số hoạt động khác. Tổng Bí thư dự kiến có cuộc gặp đại diện cộng đồng người Việt tại Mỹ, gặp gỡ đại diện các tầng lớp xã hội Việt Nam - Mỹ, qua đó thúc đẩy chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và nhà nước đối với kiều bào ta.
Tổng Bí thư cũng sẽ gặp Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc đối với công cuộc phát triển và đường lối đối ngoại của Việt Nam, thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
“Sẵn sàng thảm đỏ”
Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 6 đến 10-7 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông và dư luận quốc tế. Hãng tin AP cho biết Mỹ “đã sẵn sàng thảm đỏ” để đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh giới chức nước này đang mong muốn đưa quan hệ thân thiện với Việt Nam lên một tầm cao mới.
Bài viết nhận định những đòi hỏi về kinh tế đã góp phần đưa Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ 20 năm trước và hiện vẫn là động lực chính để hai nước tiếp tục thắt chặt quan hệ. Bằng chứng là kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ đã tăng từ chưa đầy 500 triệu USD năm 1995 lên đến 35 tỉ USD năm 2014. Việt Nam đã vượt Malaysia và Thái Lan trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa hàng đầu ASEAN vào Mỹ.
Hãng tin AP cũng dẫn lời ông Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage, trụ sở ở Washington, nói rằng chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ - Việt đã tiến xa chừng nào trong 40 năm sau chiến tranh.
“Việt Nam có thể trở thành một trụ cột trong chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Barack Obama, đóng một vai trò kinh tế và địa chính trị mạnh mẽ” - bài viết dự báo.
Tờ báo hàng đầu nước Mỹ The New York Times nhận định trong vài năm qua, Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau nhanh đến nỗi ngay cả những kiến trúc sư của sự hòa giải này cũng phải dùng từ “ngoạn mục” để mô tả.
Sự phát triển vượt bậc trong quan hệ sẽ được nêu bật khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên thăm Nhà Trắng trong ngày 7-7. “Đây thực sự là điểm nhấn trong quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước” - ông Antony J. Blinken, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, nhấn mạnh.
Mối quan hệ Việt - Mỹ phần nào được thúc đẩy bởi sự tương tác của người dân hai nước. Nhiều nhà đầu tư, cựu binh chiến tranh và khách du lịch từ Mỹ đã đến Việt Nam thời gian qua. Ngược lại, số lượng sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học cũng tăng vọt từ 800 người vào 2 thập kỷ trước lên tới 16.000 người hồi năm 2014.
Ông Pete Peterson, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho rằng cả 2 nước hiện có nhiều điểm chung và sẽ trở thành những đồng minh mạnh mẽ thời gian tới.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời ông Ernest Bower, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), nhận định chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tính lịch sử nhằm phá bỏ các rào cản về lòng tin giữa hai bên khi hai nước sắp bước vào một kỷ nguyên hợp tác mới sâu sắc hơn trong nhiều lĩnh vực, như an ninh, chính trị và ngoại giao.
Phương Võ
Bình luận (0)