Gần 30 nước đã ban hành chính sách hạn chế hoạt động từ thiện khiến không ít tổ chức thiện nguyện gặp khó. Xu hướng này đang lan rộng trong bối cảnh làn sóng phản đối nhập cư gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới.
Không ít quốc gia tỏ ra nghi ngờ các tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ (NGO) đang hoạt động xuyên biên giới để giúp đối phó những vấn đề cấp bách nhất hiện nay.
Một tổ chức từ thiện hoạt động tại tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa ở Pakistan Ảnh: REUTERS
Để bảo đảm các tổ chức từ thiện hoạt động hiệu quả, những nhà hoạch định chính sách phải tạo điều kiện để công tác thiện nguyện có thể phát triển mạnh, song song với việc dỡ bỏ rào cản. Trong số này có việc phát triển môi trường pháp lý khuyến khích sự minh bạch.
Dựa trên kết quả nghiên cứu gần đây của hơn 100 chuyên gia về chính sách công và từ thiện, có 3 vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách, nhà ngoại giao và lãnh đạo NGO cần xem xét để tối đa hóa tác động của hoạt động thiện nguyện trên toàn cầu.
Thứ nhất, biến động chính trị đang là mối đe dọa lớn nhất đối với hoạt động từ thiện toàn cầu. Xu hướng dân túy ở một số nước châu Âu là ví dụ rõ ràng của mối de dọa đối với hàng tỉ USD tiền viện trợ từ lĩnh vực tư nhân, đồng thời hạn chế khả năng hoạt động hiệu quả của các tổ chức từ thiện và NGO.
Tại Hungary, một đạo luật năm 2017 yêu cầu tất cả nhóm nhân quyền nhận tài trợ nước ngoài phải đăng ký là tổ chức "được nước ngoài hỗ trợ" và kê khai mọi khoản tài trợ quốc tế nếu không muốn đối mặt nguy cơ bị đóng cửa.
Nhiều người xem đạo luật này là một cuộc tấn công nhằm vào tỉ phú người Mỹ gốc Hungary, ông George Soros, chủ sở hữu một tổ chức chuyên tài trợ cho nhiều chương trình xã hội dân sự và hỗ trợ người nhập cư. Kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, ông Soros đã chống lại Thủ tướng Hungary Viktor Orban có lập trường chống nhập cư.
Một đạo luật được thông qua hồi tháng 7 đánh thuế 25% lên các khoản quyên góp từ nước ngoài dành cho những tổ chức có hoạt động hỗ trợ người di cư.
Từ năm 2010, một số quốc gia đã ban hành quy định hạn chế mới đối với những tổ chức nhận đóng góp từ thiện nước ngoài. Chẳng hạn, quốc hội Israel hồi năm 2016 thông qua dự luật yêu cầu bất kỳ tổ chức nào nhận ít nhất 50% tiền đóng góp từ chính phủ nước ngoài - trong đó có Liên minh châu Âu (EU) - cũng phải công khai số tiền này. Quy định mới nhằm vào hầu hết tổ chức nhân quyền, chính trị và bị chỉ trích là đánh trực tiếp vào các nhóm cánh tả vận động vì quyền của người dân Palestine.
Vấn đề thứ hai là một số quy định có mục đích tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình lại phản tác dụng. Ở những nước phát triển như Mỹ và Anh, các chính sách được đưa ra với mục tiêu ngăn nguồn tài trợ tiếp cận các tổ chức vũ trang lại tác động đến các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế bằng những đòi hỏi báo cáo chi tiết để chứng minh họ hoạt động hợp pháp.
Một nghiên cứu của Tổ chức Tài chính từ thiện (Anh) gần đây cho thấy các biện pháp chế tài nhắm mục tiêu vào hoạt động rửa tiền của khủng bố - như các điều khoản trong Đạo luật Yêu nước của Mỹ và quy định chống rửa tiền của Anh gần đây - gây ra hậu quả không mong muốn đối với các tổ chức từ thiện. Trong số các NGO được khảo sát, 79% tổ chức cho biết gặp khó trong việc tiếp cận các nguồn tài chính cơ bản, trong khi 15% nói họ bị đóng tài khoản ngân hàng.
Kể từ năm 2014, chính phủ một số nước, như: Belarus, Peru, Nigeria… đã hoặc dự định ban hành một loạt quy định về hoạt động NGO với danh nghĩa "minh bạch". Dù các lãnh đạo nước này cho rằng mục tiêu là bảo vệ an ninh quốc gia, những quy định này khiến các nhà tài trợ gặp khó khăn hơn trong việc quyên tiền cho NGO.
Thứ ba, sự ủng hộ dành cho các chương trình từ thiện đang gia tăng ở những nơi không ngờ trên thế giới. Cụ thể là Trung Quốc, quy mô từ thiện ngày càng phát triển bất chấp các quy định nghiêm ngặt kiểm soát hoạt động của NGO. Từ năm 2010- 2016, các khoản đóng góp của tốp 100 nhà hảo tâm hàng đầu Trung Quốc tăng gấp 3 lần, lên 4,6 tỉ USD.
Là một phần trong chiến lược tầm nhìn năm 2030 của Ả Rập Saudi, chính quyền Riyadh đang có bước đi cải thiện hoạt động và tính minh bạch của các tổ chức phi lợi nhuận trong nước để tăng cường ảnh hưởng của chúng. Kế hoạch này được kỳ vọng thúc đẩy đóng góp của các tổ chức từ thiện vào GDP từ mức dưới 1% lên 5% vào năm 2030. Kế hoạch này diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà hảo tâm Ả Rập Saudi tìm cách tối đa hóa ảnh hưởng của hoạt động từ thiện mình.
Những hạn chế đối với hoạt động từ thiện ở một số quốc gia có nguy cơ cản trở nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách nhất thế giới - từ di cư, phát triển cho đến y tế cộng đồng, nạn nghèo đói, giáo dục và bất bình đẳng xã hội.
Bình luận (0)