Trước khi ông Tillerson tới New Delhi, báo chí Mỹ không hề giấu giếm mục đích của chuyến đi. Đó là ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương đang tăng và Mỹ muốn tranh thủ sự ủng hộ của Ấn Độ. Nhiều người Ấn Độ khó chịu khi cho rằng sức mạnh của Trung Quốc là nguyên nhân khiến Mỹ nhìn ra giá trị trong mối quan hệ với Ấn Độ.
Mỹ đã hoàn toàn hiểu sai về lòng tự trọng của Ấn Độ. Ấn Độ không muốn quan hệ của mình phụ thuộc vào cường độ cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại New Delhi hôm 25-10 Ảnh: REUTERS
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ rất thực tế, tức là họ luôn tập trung vào những lợi ích của mình. Chính sách không liên kết đã phát huy hiệu quả ngay từ khi nước này vẫn còn là quốc gia thu nhập thấp ngày trước. Giờ đây, với thu nhập trung bình và là nước có GDP lớn thứ ba thế giới - khoảng 9.700 tỉ USD, Ấn Độ càng không có lý do gì để vì quan hệ đối tác với Mỹ (hay bất cứ nước nào khác) mà chống lại một cường quốc thứ ba.
Mỹ công khai điều họ muốn ở Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói các quan chức Mỹ và Ấn Độ đã bàn luận về việc "thắt chặt quan hệ đối tác Mỹ - Ấn, vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong vấn đề hòa bình và an ninh của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như vị trí trọng yếu của Ấn Độ trong chiến lược Nam Á của Mỹ". Tuy nhiên, trong tương lai gần, lợi ích của Ấn Độ không mấy khi vượt ra khỏi các nước láng giềng. Khu vực mà Mỹ gọi là Ấn Độ - Thái Bình Dương trải rộng tới phân nửa thế giới và Ấn Độ - cho dù có hứng thú - cũng không thể đảm nhận vai trò góp phần hoạch định chính sách ở đó.
Từ năm 1967 tới nay, Ấn Độ và Trung Quốc đã giữ biên giới chung hầu như yên bình, không có viên đạn nào nã về phía nhau. Nhưng nói vậy không phải là không có căng thẳng. Ấn Độ không hề ảo tưởng rằng sẽ có người đứng ra gánh lấy gánh nặng và trả giá thay họ để họ tham gia vào một thỏa thuận kiềm chế ai đó.
Trọng tâm chính sách ngoại giao và an ninh của Ấn Độ là tự cường chiến lược - đơn giản là Ấn Độ sẽ hành động và chiến đấu cho lợi ích của chính mình. Trước ông Tillerson, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đến và gặp tất cả nhân vật có ảnh hưởng ở New Delhi. Tuy nhiên, hầu như không thể thay đổi nền tảng này của Ấn Độ.
Bình luận (0)