Cặp rùa hóa thạch được phát hiện trong tư thế đang giao phối
Hóa thạch của chín cặp rùa “nghịch ngợm” từ 47 triệu năm trước- con cái được nhận diện nhờ những chiếc đuôi ngắn hơn, được tìm thấy ở khu vực khảo cổ Messel Pit - được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ tháng 12-1995, gần thành phố Darmstadt của nước Đức. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những cặp rùa đang giao phối này bị chết do hít phải khí độc bốc lên từ miệng núi lửa.
Ở hai cặp rùa, đuôi của một số con đực thậm chí được đặt ở tư thế rúc dưới đuôi của con cái - dấu hiệu của tư thế giao phối truyền thống của rùa.
Tiến sĩ Walter Joyce thuộc đại học Tuebingen của Đức nói rằng hóa thạch này thuộc về một loài rùa cổ đại đã tuyệt chủng có tên khoa học là Allaeochelys crassesculpta. Bằng chứng giải phẫu cho thấy mỗi cặp rùa gồm 1 con cái và 1 con đực. Mai trên của chúng dài khoảng 61cm và rộng 30cm.
Con đực có đuôi dài hơn và thò ra khỏi mai, còn đuôi của con cái ngắn hơn và nằm gọn trong mai.
Tiến sĩ Walter Joyce cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có bằng chứng rõ ràng về các cặp rùa bao gồm 1 con cái và một con đực, trong đó đuôi của một số con đực được đặt ở tư thế thẳng hàng với đuôi của con cái. Điều đó chứng tỏ chúng đang giao phối”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng ban đầu những cặp rùa đang giao phối trên bề mặt hồ nước , rồi sau đó bị nhiễm khí độc từ núi lửa và chìm xuống đáy hồ trong tư thế đang giao phối.
Bình luận (0)