Căng thẳng Trung Đông đang bùng phát trở lại khi Lebanon trở thành mặt trận mới trong cuộc đối đầu khu vực giữa Ả Rập Saudi của người Hồi giáo Sunni và Iran của người Hồi giáo Shiite. Tuy nhiên, trong khi sự tập trung của tin tức chuyển từ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sang những hậu quả của việc Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri từ chức, có một sự im ắng đáng chú ý về một trong các "tay chơi" quan trọng nhất ở Trung Đông: Israel.
Sự thất thế của IS có thể coi là bước ngoặt lớn tại khu vực nhưng trớ trêu thay, với nhà nước Do Thái, điều đó lại củng cố sức mạnh của Iran, cho phép Tehran thiết lập "cây cầu trên bộ" trải dài từ Iraq, Syria và Lebanon tới biên giới phía Bắc Israel. Diễn biến này làm tăng nguy cơ đụng độ quân sự giữa Israel và Iran ngay trong lúc sự gắn kết của Mỹ tại Trung Đông có thể bắt đầu lung lay. Mối đe dọa như vậy không phải điều chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể phớt lờ.
Binh lính Israel trong cuộc tập trận gần đường ngừng bắn giữa Israel và Syria tại cao nguyên Golan hồi tháng 3 Ảnh: REUTERS
Theo sau sự mở rộng dấu chân của Iran là nguy cơ ngày càng lớn từ việc nước này sẽ dễ dàng tuồn vũ khí cho nhóm Hezbollah, đồng minh của Tehran ở Lebanon, hơn. Với Israel, điều đáng ngại hơn có lẽ là sự gia tăng hiện diện của Iran ở miền Nam Syria trao cho Tehran cơ hội cài cắm binh lính của nước này hoặc các tay súng Hezbollah, những lực lượng dân quân Shiite khác có thể tấn công trực diện vào nhà nước Do Thái.
Đối với Israel, những kịch bản trên được coi là lằn ranh đỏ và trong quá khứ, Jerusalem chưa một lần ngần ngại dùng vũ lực để đáp trả mỗi khi lằn ranh đỏ này bị xâm phạm. Trong những năm qua, chiến đấu cơ Israel đã không kích hàng chục chuyến vũ khí, như tên lửa hành trình và hệ thống chống máy bay, cho Hezbollah. Và các lãnh đạo Israel vẫn duy trì cam kết ngăn chặn bất cứ hoạt động chuyển giao vũ khí tương tự nào trong tương lai.
Năm 2015, cuộc không kích của Israel vào cao nguyên Golan ở Syria đã tiêu diệt một vị tướng Iran cũng như chỉ huy của lực lượng Hezbollah ở Syria. Trong động thái nhấn mạnh khả năng tái hiện hành động cứng rắn này, Israel thậm chí còn tiết lộ công khai rằng họ đã nắm danh tính chỉ huy mới của Hezbollah ở miền Nam Syria.
Không khó để hình dung những tình huống khác, trong đó căng thẳng Iran - Israel có thể bùng phát thành một cuộc đối đầu quân sự. Chỉ cần một mẩu đạn lạc "hạ cánh" trong lãnh thổ Israel, nước này hẳn sẽ không ngừng đánh bom các chuyến hàng vũ khí Iran chuyển cho Hezbollah hoặc thậm chí còn tấn công trực tiếp các vị trí quân sự của Syria. Về phần mình, tổng tham mưu trưởng quân đội Iran cảnh báo sẽ "không chấp nhận để chế độ Do Thái ngang nhiên xâm phạm Syria bất kỳ khi nào muốn".
Khả năng khác là một nhóm dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn có thể tấn công binh lính Israel dẫn tới sự trả đũa từ phía Jerusalem, từ đó lôi kéo binh sĩ Iran vào cuộc. Trong kịch bản tồi tệ nhất, các vụ đánh bom của Israel nhằm vào Syria thậm chí có thể dẫn tới đụng độ trực tiếp với lực lượng Nga đang trợ giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Về trường hợp của Lebanon, đang nổi lên nỗi lo rằng Israel có thể bị kéo vào xung đột nếu Hezbollah tìm kiếm điều mà cựu Đại sứ Mỹ tại Israel Daniel B. Shapiro gọi là "sự tăng tốc đối đầu với Israel như một phương tiện thống nhất sự ủng hộ của Lebanon dành cho sự thống trị của mình". Với những thông tin gần đây về sự hiện diện của quân Iran ở biên giới phía Bắc Israel, có khả năng nếu xung đột bùng phát ở Lebanon, quân Israel có thể đụng độ trực tiếp với lực lượng Iran.
Chính quyền của ông Donald Trump phải nhận ra rằng bất cứ cuộc xung đột quân sự Israel - Iran nào cũng sẽ đe dọa lợi ích của Mỹ. Thứ nhất, nó có thể can thiệp vào khả năng của Washington trong việc dứt điểm IS trong bối cảnh nhóm cực đoan của người Sunni này đã mất các thành trì tại Iraq và Syria. Thứ hai, nếu liên minh lâu đời với Israel buộc Mỹ phải vào cuộc, Iran có thể coi đó là cơ hội để trả đũa những lợi ích của Mỹ ở khắp Trung Đông. Thực ra, với liên minh giữa Moscow và Tehran ở Syria, bất cứ sự can dự nào của Mỹ vào xung đột Israel - Iran cũng có thể dẫn tới đối đầu Nga - Mỹ, một nguy cơ đang tăng trong thời gian qua.
Mặc dù chính quyền ông Donald Trump có thể muốn nhanh gọn kết liễu IS rồi xử lý xong vấn đề Syria, họ không có khả năng thực hiện điều đó. Cuộc chiến tranh năm 2006 giữa Israel và Hezbollah, nổ ra sau khi Hezbollah bắt cóc 2 binh sĩ Israel, là lời nhắc nhở ảm đạm rằng ở Trung Đông, thậm chí va chạm nhỏ cũng có thể châm ngòi cả một cuộc chiến. Bởi vậy, Washington cần bắt tay giải quyết các điểm nóng tiềm ẩn.
Thứ nhất, Mỹ phải nhìn nhận lo ngại của Israel về sự hiện diện của Iran ở Syria nghiêm túc hơn. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phản đối thỏa thuận ngừng bắn Nam Syria hồi tháng 7 đàm phán giữa Mỹ và Nga bởi nó duy trì hiện diện của Iran tại Syria.
Thứ hai, Washington nên chuyển tải một thông điệp cảnh báo rõ ràng đến Tehran thông qua các kênh ngoại giao, rằng Mỹ sẽ không chấp nhận bất cứ nỗ lực nào của Iran nhằm leo thang đối đầu với Israel dù trực tiếp hay gián tiếp. Thông điệp này nên đến từ giới chức quân sự cấp cao hoặc Lầu Năm Góc. Thứ ba, Mỹ phải thúc giục Nga chủ động kiềm chế Iran nhằm ngăn nguy cơ xung đột mở rộng ở khu vực. Đổi lại, Washington có thể trao cho Moscow cơ hội được đối xử như một cường quốc thế giới và đứng ngang hàng với Mỹ.
Các nhà hoạch định sách lược của Israel muốn Mỹ có chiến lược về Syria. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần chú ý tới điều này trước khi quá muộn.
Bình luận (0)