Theo hãng tin AP, Lầu Năm Góc chỉ ra rằng hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu xây dựng 24 nhà chứa máy bay, vị trí đặt vũ khí cố định, doanh trại, tòa nhà hành chính, trung tâm liên lạc và đường băng tại Đá Chữ thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Trong đó, mỗi đường băng dài ít nhất 2,6 km.
Một khi các công trình này hoàn tất, Bắc Kinh sẽ có đủ chỗ để phục vụ 3 trung đoàn máy bay chiến đấu tại quần đảo Trường Sa. Nước này còn xây dựng cơ sở hạ tầng trên 4 đảo nhân tạo phi pháp khác ở biển Đông, bao gồm ụ súng và thiết bị liên lạc.
"Trung Quốc dùng biện pháp cưỡng chế như sử dụng tàu thực thi pháp luật và lực lượng dân quân để thực thi yêu sách hàng hải cũng như thúc đẩy lợi ích của mình. Bằng việc tính toán kỹ lưỡng, các hành động của Trung Quốc luôn nằm dưới ngưỡng có thể gây ra xung đột" – báo cáo trình quốc hội Mỹ của Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Trung Quốc có thể sắp xây dựng tiền đồn ở Pakistan. Ảnh: REUTERS
Hồi năm ngoái, Lầu Năm Góc cho biết Bắc Kinh đã chiếm đóng hơn 1.200 ha đất ở phía Đông Nam biển Đông. Năm nay, họ tập trung vào xây dựng lực lượng tại quần đảo Trường Sa.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn nuôi ý đồ mở rộng sự hiện quân sự trên khắp thế giới. Nước này đã xây dựng một tiền đồn ở quốc gia Sừng châu Phi Djibouti, gần căn cứ Trại Lemonnier của Mỹ. Theo Lầu Năm Góc, Pakistan có thể sẽ là địa điểm tiềm năng để Bắc Kinh lập căn cứ trong tương lai.
"Sáng kiến thiết lập các căn cứ quân sự bổ sung ở những nước có quan hệ hữu nghị như Pakistan cùng với các chuyến thăm tàu hải quân đến cảng nước ngoài đều phản ánh và tăng cường ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời giúp mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội" – Lầu Năm Góc nhận định.
Việc mở rộng quân sự giúp Bắc Kinh tạo ra một "con đường tơ lụa mới’"" gồm các cảng, đường sắt và đường bộ để mở rộng thương mại thông qua châu Á, châu Phi và châu Âu. Các nước bao gồm cả Pakistan và Afghanistan hoan nghênh sáng kiến này như một con đường để họ thoát nghèo.
Riêng Pakistan đã trở thành thị trường nhập khẩu vũ khí chính của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực này chiếm 9/20 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc từ năm 2011-2015. Năm ngoái, Trung Quốc ký thỏa thuận bán 8 tàu ngầm cho Pakistan.
Tuy nhiên, Ấn Độ và một số nước khác tỏ ra không hài lòng khi Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Pakistan, đặc biệt khi chúng liên quan tới quân sự.
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2016 đã vượt quá 180 tỉ USD, cao hơn mức dự chi cho ngân sách quốc phòng 954,35 tỉ nhân dân tệ (140,4 tỉ USD), theo báo cáo dài 97 trang trình quốc hội của Lầu Năm Góc.
Bắc Kinh dường như cam kết tăng chi tiêu quốc phòng cho "tương lai gần", ngay cả khi tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Bình luận (0)