Ông Kenneth A. Capron, điều hành một tổ chức phi lợi nhuận ở TP Portland, bang Maine - Mỹ, đang xin tài trợ để nghiên cứu kế hoạch biến một tàu du lịch đã qua sử dụng thành nơi ở cho 1.200 người có nhu cầu.
Vũ khí kinh tế
Ông Capron tiết lộ ý định neo đậu một con tàu du lịch cũ dọc bờ biển thành phố để làm nhà ở. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ là vũ khí kinh tế nhằm đối phó cuộc khủng hoảng nhà ở tại địa phương và khắp nước Mỹ.
Để làm được như thế, trước tiên cần tính toán giá mua, chi phí tân trang hoặc cải tạo con tàu và đặc biệt là xác định xem liệu nó có nên được sử dụng làm nơi ở cho người thu nhập không ổn định, thấp hoặc vô gia cư.
Chính quyền TP Portland đang tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhà ở tại địa phương Ảnh: PORTLAND TRIBUNE
Ông Capron tiết lộ muốn cung cấp các dịch vụ trên boong tàu, như chăm sóc y tế, huấn luyện nghề và tư vấn sử dụng thuốc. Mặt khác, ông hy vọng con tàu không trở thành nơi trú ngụ lâu dài cho người vô gia cư bởi ông muốn họ có một nơi ở ổn định hơn trên đất liền nếu có thể.
Ông cũng muốn nghiên cứu khả năng cho thuê phòng trên tàu để có kinh phí hỗ trợ chuyện ở của những người đang gặp khó khăn. "Nếu như chúng tôi được nhận bất kỳ con tàu nào và biến nó thành nơi có giá hợp lý, con tàu có thể được lấp đầy trong vòng 2 ngày và chúng tôi có thể kiếm tiền vào những ngày cuối tuần" - ông Capron tự tin cho biết.
Những người ủng hộ tin rằng sáng kiến trên có thể giúp ích ít nhiều trong bối cảnh tình trạng vô gia cư, khủng hoảng nhà ở đang ngày một nghiêm trọng tại nhiều thành phố ở Mỹ.
Trong báo cáo gần đây nhất, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Mỹ thông báo số người vô gia cư tại nước này "lần đầu tiên gia tăng trong vòng 7 năm qua". Riêng TP Portland đang có 1.123 gia đình cần nơi ở dành cho người thu nhập thấp, theo Thị trưởng Ethan K. Strimling.
Một số giải pháp cho tình trạng vô gia cư, như dựng các khu lều trại tạm thời, đạt được thành công hạn chế bởi những lý do như sự phản đối của cộng đồng, sự kỳ thị đối với các công trình có kiến trúc trông kỳ lạ và người vô gia cư không muốn rời xa khu vực sinh sống quen thuộc. Giờ đây, theo ông Capron, ý tưởng sử dụng tàu du lịch cũ nhiều phòng có giá vài triệu đô la có thể khắc phục những hạn chế này.
Vấn đề vệ sinh, tâm lý
Cựu Thị trưởng TP San Francisco Art Agnos là một trong những nhân vật ủng hộ ý tưởng nói trên. Sau khi trận động đất mạnh cấp độ 6,9 ở khu vực vịnh San Francisco ngày 17-10-1989 làm chết 63 người, hàng ngàn người bị thương và làm sụp đổ hơn 100 công trình, ông Agnos phải tìm cách giải quyết nơi ở cho hơn 300 người vô gia cư.
Đô đốc Mỹ John Bitoff khi đó đề nghị sử dụng tàu USS Peleliu, có thể làm nơi ở cho hơn 2.000 người, trong vòng vài tuần lễ. Ông Agnos cho biết đã đồng ý và giải pháp này tỏ ra thành công.
"Chính tôi nảy ra ý tưởng đó đầu tiên" - ông bày tỏ khi nói về đề xuất sử dụng du thuyền cũ làm nơi ở cho người vô gia cư và thu nhập thấp. Ông Capron cũng dành lời khen cho ông Agnos và cho biết ý tưởng này từng được đưa ra tại TP Seattle - Mỹ và TP Auckland - New Zealand.
Dù vậy, vẫn còn không ít thách thức chờ đợi giải pháp trên. "Sẽ không dễ đưa người vô gia cư lên du thuyền sinh sống. Nhìn chung, không ai muốn mình trở nên khác thường" - chuyên gia R. Scott Mitchell tại Trường ĐH Nam California (Mỹ) nhận xét.
Trong khi đó, bà Sofia Borges, một chuyên gia kiến trúc tại TP Santa Monica, bang California, cho rằng điều quan trọng là các giải pháp cho tình trạng vô gia cư phải gắn kết với cộng đồng địa phương. Theo bà, trong quá trình chuyển đổi từ đường phố sang nhà ở, cần bảo đảm người vô gia cư không bị cô lập.
Dù vậy, đã xuất hiện cảnh báo về nguy cơ thất bại của sáng kiến bởi những người sống trên du thuyền có thể gặp không ít rủi ro về vấn đề tâm lý do cuộc sống tách biệt, lênh đênh trên mặt nước.
"Tôi cho rằng thật lạ lùng khi nói "Chúng tôi không có đất dành cho anh nên chúng tôi đưa anh lên ở trên con tàu này". Về lâu dài, đây gần như không khác gì nhà tù" - ông Mitchell bày tỏ.
Một nỗi lo khác là sức khỏe, xuất phát từ điều kiện vệ sinh có thể không bảo đảm trên tàu. Theo một số chuyên gia, không gian sống bó buộc trên tàu đe dọa làm tăng những trường hợp nhiễm virus, vi khuẩn và các căn bệnh lây lan đang hoành hành trên đường phố nước Mỹ. Chính quyền TP Los Angeles, nơi hàng chục ngàn người vô gia cư sống trong những điều kiện kém vệ sinh tại các khu lều trại, đang phải đối phó với sự bùng phát bệnh sốt phát ban.
Bình luận (0)