Trong bối cảnh hàng ngàn người xuống đường biểu tình để thể hiện sự tức giận đối với giới lãnh đạo Lebanon liên quan đến vụ nổ ở thủ đô Beirut hồi tuần qua, Thủ tướng Lebanon Hassan Diab hôm 8-8 khẳng định bầu cử sớm là lối thoát duy nhất cho quốc gia của ông.
"Tôi sẽ đệ trình dự luật mở đường cho các cuộc bầu cử quốc hội sớm vào ngày 10-8. Tôi kêu gọi mọi đảng phái chính trị đồng ý với giai đoạn tiếp theo... Tôi ủng hộ những công dân Lebanon khao khát cải cách" - Thủ tướng Diab thông báo trong một động thái được xem là tín hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy vụ nổ có thể làm thay đổi hệ thống chính trị Lebanon, vốn bị nhiều người xem là không hiệu quả.
Cảnh sát Lebanon cùng ngày cho biết một thành viên của họ đã thiệt mạng sau khi bị "tấn công" bởi đám đông biểu tình trong lúc hỗ trợ những người mắc kẹt trong một khách sạn ở Beirut. Đụng độ đã xảy ra tại nhiều khu vực ở thủ đô khi người biểu tình đốt phá, chắn lối vào tòa nhà quốc hội và ném đá vào cảnh sát. Theo các nhân chứng, cảnh sát đã sử dụng khí cay và đạn cao su để giải tán đám đông. Hội Chữ thập đỏ Lebanon cho biết ít nhất 238 người bị thương trong các cuộc đụng độ này, trong đó có 63 người phải nhập viện.
Trong khi đó, theo Reuters, hàng trăm người biểu tình cũng đã xông vào các trụ sở của Bộ Ngoại giao, Bộ Năng lượng, Bộ Kinh tế và Hiệp hội Ngân hàng Lebanon trong đợt biểu tình lớn nhất nổ ra tại quốc gia này kể từ tháng 10-2019.
Nhân viên y tế đưa người biểu tình bị thương lên xe cấp cứu tại thủ đô Beirut - Lebanon hôm 8-8 Ảnh: REUTERS
Trong một động thái nhằm thể hiện sự ủng hộ với đám đông biểu tình, lãnh đạo đảng đối lập Ketaeb Sami Gemayel hôm 8-8 tuyên bố ông cùng 3 nhà lập pháp khác đã từ chức, đồng thời kêu gọi những quan chức khác làm điều tương tự để Lebanon được tái sinh. Đến ngày 9-8, Bộ trưởng Thông tin Lebanon Manal Abdel Samad thông báo đã trình đơn từ chức lên chính phủ liên quan đến vụ nổ thảm khốc ở Beirut.
Trước vụ nổ nêu trên, Lebanon vốn đã phải vật lộn với hàng loạt cuộc khủng hoảng, trong đó có suy thoái kinh tế, tình trạng thất nghiệp và lạm phát tăng vọt. Vài tuần trước thảm họa, số người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) cũng đã bắt đầu tăng mạnh mỗi ngày trong khi nhiều khu vực khắp nước phải sống trong tình trạng mất điện kéo dài.
Theo báo The New York Times, vụ nổ cùng những dấu hiệu cho thấy nguyên nhân có thể xuất phát từ sự tắc trách của chính phủ đã đẩy căng thẳng lên đỉnh điểm. Mục tiêu của các cuộc biểu tình lần này không chỉ có các nhân vật cụ thể, trong đó có Tổng thống Michel Aoun - người không loại trừ khả năng vụ nổ có thể do bom hoặc các thế lực bên ngoài. Đi xa hơn, người biểu tình còn nhằm vào một hệ thống chính trị mà trong đó, mọi thứ từ chức vụ hàng đầu trong chính phủ đến công việc dân sự được phân bổ theo một hệ thống giáo phái phức tạp.
Đám đông biểu tình khẳng định hệ thống này và những cá nhân sử dụng nó để làm giàu cho bản thân và che chở người ủng hộ họ là nguồn cơn của mọi vấn đề trong nước. Mặc dù thu hút được lượng lớn người tham gia, các cuộc biểu tình cho đến nay vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể trong nỗ lực tìm kiếm một hệ thống mới lãnh đạo đất nước.
Thế giới chung tay hỗ trợ
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Liên Hiệp Quốc hôm 9-8 đồng chủ trì hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ cho Lebanon. Đáng chú ý, hội nghị có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đại diện của Liên minh châu Âu, Anh, Trung Quốc, Nga, Jordan, Ai Cập, nhiều nước vùng Vịnh và Ả Rập... Theo Reuters, hội nghị nhằm kêu gọi các nước cam kết giúp tái thiết thủ đô Beirut theo sau thảm họa nổ kinh hoàng hôm 4-8 cũng như quyết định cách thức phân bổ hàng cứu trợ để mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân. Trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cam kết viện trợ khẩn cấp cho Lebanon 10 triệu euro.
Ông Macron hôm 6-8 trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Beirut sau vụ nổ và thúc giục Lebanon cải cách mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề của đất nước. Phát biểu sau chuyến thăm, Tổng thống Pháp cho biết mục tiêu của hội nghị trên là vận động các nước châu Âu, Mỹ và tại khu vực hỗ trợ tài chính để cung cấp sự chăm sóc y tế, thuốc men, lương thực và xây lại nhà cửa cho những người bị ảnh hưởng.
Theo trang Bloomberg, thảm họa nổ lớn nhất trong lịch sử Beirut đã khiến hơn 150 người thiệt mạng, hơn 5.000 người bị thương và nhiều người còn mất tích. Ngoài ra, gần 300.000 người bị mất nhà cửa và thiệt hại ước tính từ 10-15 tỉ USD. Nhiều nước đã gửi hàng cứu trợ đến Lebanon sau khi các vụ nổ xảy ra.
Hoàng Phương
Bình luận (0)