Lệnh ngừng bắn mong manh ở Syria hôm 28-2 đã bắt đầu lung lay khi máy bay Nga nối lại các cuộc không kích một số thị trấn và ngôi làng thuộc các tỉnh Aleppo, Hama và Idlib ở miền Bắc nước này. Ngoài ra, đã xảy ra giao tranh ở một số phòng tuyến nhưng mức độ đã giảm đáng kể so với trước khi có lệnh ngừng bắn, theo báo The Washington Post.
Tình trạng bạo lực nêu trên phần nào làm lu mờ niềm hy vọng sự yên ổn hôm 27-2 (ngày đầu tiên ngừng bắn) sẽ kéo dài đủ để thúc đẩy hơn nữa nỗ lực hòa bình ở Syria. Báo The Washington Post cho biết Bộ Quốc phòng Nga không bình luận gì về các vụ không kích mới nhưng từng khuyến cáo rằng theo các điều khoản của lệnh ngừng bắn, Nga có quyền tiếp tục tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Nusra - 2 tổ chức khủng bố đang chống lại Damascus.
Pháp đã yêu cầu các nước hậu thuẫn lệnh ngừng bắn nhóm họp ở Geneva - Thụy Sĩ trong ngày 29-2 (giờ địa phương) để làm rõ thông tin về các vụ vi phạm. Trước cuộc họp, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon xác nhận “nhìn chung lệnh ngừng bắn được thực thi dù có vài vụ vi phạm”.
Cùng ngày, phát ngôn viên của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, tuyên bố cần hết sức thận trọng khi cáo buộc phe phái nào phá vỡ lệnh ngừng bắn ở Syria. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga xác nhận Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã điện đàm để bàn chuyện hợp tác chặt chẽ hơn giữa quân đội 2 nước về kế hoạch ngừng bắn nói trên. Theo báo Vzglyad, Nga và Mỹ công nhận chế độ ngừng bắn ở Syria nhìn chung được thực hiện dù có “một vài vụ vi phạm”.
Ngay cả Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC), liên minh đối lập chính ở Syria, cũng thừa nhận lệnh ngừng bắn có hiệu lực dù tố cáo quân chính phủ vi phạm 15 lần trong ngày đầu tiên, còn Nga và tổ chức Hezbollah vi phạm nhiều hơn. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg có nhận định tương tự song lo ngại “Nga đang bổ sung lực lượng ở Syria”.
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền (SOHR), có 20 người chết mỗi ngày hôm 27 và 28-2 tại các khu vực không do IS kiểm soát ở Syria. Con số này giảm mạnh nếu so với trung bình 120 người thiệt mạng một ngày trong tháng 2.
Một nguy cơ khác cho lệnh ngừng bắn đến từ nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Theo trung tâm điều phối ngừng bắn tại căn cứ không quân Nga Khmeimim ở tỉnh Latakia, tình huống nghiêm trọng nhất trong vòng 24 giờ đầu tiên là vụ tấn công vào thị trấn Tal Abyad do người Kurd chiếm giữ ở Đông Bắc Syria.
Kênh RT dẫn lời chỉ huy trưởng trung tâm này, trung tướng Sergei Kurylenko, cho hay các phần tử nổi dậy đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng pháo hạng nặng khi thực hiện vụ tấn công trên. Đồng thời, ông cho hay đã khiếu nại với trung tâm điều phối ngừng bắn của Mỹ ở Amman, thủ đô Jordan, vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên trong liên minh do Mỹ đứng đầu.
Báo cáo của trung tâm hòa giải Nga chỉ ra rằng ngay trong đêm ngừng bắn đầu tiên, hơn 200 phiến quân IS đã vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria và 100 tên khác đến từ thành phố Raqqa - Syria đã phối hợp với các lực lượng gần khu vực của người Kurd.
Ankara phủ nhận cáo buộc trên, theo các nguồn tin quân sự được trích dẫn trên website báo Hurriyet. Thế nhưng, một nhóm phóng viên đài truyền hình REN-TV của Nga đã ghi được hình ảnh nhiều công sự và ít nhất 6-7 xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ trên biên giới Syria. Ngoài ra, các loại súng ống và đạn dược được cho là đang trên đường đến các vị trí đóng quân của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nã pháo vào lực lượng người Kurd trên lãnh thổ Syria.
Trả lời kênh Al-Jazeera hôm 28-2, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thừa nhận Ankara ủng hộ các nhóm vũ trang ở Syria nhưng bác bỏ hành vi xâm lược và cáo buộc Nga thanh lọc sắc tộc ở Syria. Đáng chú ý, ông Davutoglu tuyên bố với đài CNN rằng kế hoạch ngừng bắn ở Syria sẽ không được chấp nhận nếu nó đe dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Ankara sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để tiếp tục chiến đấu với người Kurd ở Syria và IS.
Liên Hiệp Quốc viện trợ
Theo đài BBC, nhân lúc lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Liên Hiệp Quốc đem hàng viện trợ đến cho dân chúng tại các khu vực bị bao vây ở Syria. Dự kiến, các chuyến hàng đầu tiên sẽ đến tay 150.000 người dân Syria trong 5 ngày tới. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Raad Al Hussein ngày 29-2 cho biết trên 450.000 người đang bị kẹt trong các thị trấn và làng mạc bị bao vây trên khắp Syria và Liên Hiệp Quốc hy vọng đến cuối tháng 3 tới sẽ giúp đỡ được 1,7 triệu người.
Bình luận (0)