Những thành kiến và áp lực văn hóa tiếp tục cản trở sự trao quyền cho phụ nữ và khiến thế giới khó có thể đạt được mục tiêu về bình đẳng giới của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào năm 2030.
Trong báo cáo mới nhất của mình, UNDP theo dõi vấn đề bất bình đẳng thông qua Chỉ số chuẩn mực xã hội về giới (GSNI).
Theo Reuters, GSNI sử dụng dữ liệu của chương trình nghiên cứu quốc tế Khảo sát giá trị thế giới (WVS), thu thập dữ liệu trong các giai đoạn 2010-2014 và 2017-2022 tại các quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm 85% dân số toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp một số nữ lãnh đạo của Ả Rập Saudi trong chuyến thăm nước này hôm 7-6
Kết quả phân tích cho thấy gần 90% người (cả nam giới và phụ nữ) vẫn có các thành kiến cơ bản đối với phụ nữ. Ngoài ra, gần 50% dân số thế giới tin rằng nam giới lãnh đạo chính trị tốt hơn và 43% tin rằng nam giới điều hành doanh nghiệp tốt hơn.
Thành kiến còn được phản ánh trong sự vắng mặt của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo. Tỉ lệ phụ nữ làm nguyên thủ quốc gia hoặc đứng đầu chính phủ vẫn ở mức khoảng 10% từ năm 1995. Ngoài ra, trên thị trường lao động, phụ nữ chiếm chưa tới 1/3 vị trí quản lý.
Mặc dù giáo dục luôn được xem là chìa khóa để cải thiện thu nhập kinh tế của phụ nữ, kết quả khảo sát cho thấy mối liên kết giữa khoảng cách giáo dục và thu nhập đã bị phá vỡ.
Cụ thể, tại 59 quốc gia nơi phụ nữ hiện có trình độ học vấn cao hơn nam giới, khoảng cách thu nhập bình quân giữa hai giới vẫn ở mức 39%, với ưu thế nghiêng về nam giới.
Ông Pedro Conceicao, chuyên gia của UNDP, nói với Reuters rằng cần thay đổi những định kiến về giới cũng như các chuẩn mực xã hội nhưng mục tiêu cuối cùng là thay đổi quan hệ quyền lực giữa nam giới và nữ giới, cũng như giữa người với người.
Bình luận (0)