Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi hôm 22-2 xuất hiện trên truyền hình để bác bỏ những “tin đồn ác ý” rằng ông đã rời khỏi đất nước. Tuyên bố bên ngoài dinh thự của mình ở thủ đô Tripoli, ông Gaddafi khẳng định: “Tôi vẫn đang ở Tripoli, chứ không phải Venezuela”.
Nội bộ rạn nứt
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi lực lượng an ninh và người biểu tình phản đối chính phủ xung đột ở Tripoli trong đêm thứ hai liên tiếp. Các nhân chứng tại Tripoli cho biết quân đội đã sử dụng trực thăng và máy bay chiến đấu để tấn công dân thường.
Thông tin này được một số nhà ngoại giao Libya ở nước ngoài xác nhận. Tuy nhiên, Saif al-Islam Gaddafi, con trai ông Muammar Gaddafi, nói máy bay chỉ được dùng để ném bom những căn cứ quân sự chuyển sang ủng hộ người chống đối.
Các nguồn tin cho biết đã có ít nhất 293 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình khắp Libya, những thông tin này chưa được kiểm chứng độc lập.
Nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi phát biểu trên truyền hình hôm 22-2
Trong lúc này, theo hãng tin Reuters, nội bộ chế độ Muammar Gaddafi tiếp tục có sự rạn nứt trước những động thái trấn áp người biểu tình. Báo Quryna của Libya đưa tin Bộ trưởng Tư pháp Mustapha Abdul Jalil đã từ chức vì “việc sử dụng vũ lực quá mức” của nhà chức trách.
Trong khi đó, một nhóm sĩ quan quân đội kêu gọi binh sĩ “gia nhập người biểu tình”. Ngoài ra, 2 đại tá không quân Libya lái 2 máy bay chiến đấu sang Malta và xin tị nạn chính trị. Các quan chức Malta cho hãng tin Reuters biết 2 phi công này đã được lệnh ném bom người biểu tình.
Mặt khác, ngày càng có nhiều nhà ngoại giao Libya ở nước ngoài tuyên bố rời bỏ chế độ của ông Muammar Gaddafi để phản đối việc trấn áp người biểu tình trong nước. Đại sứ Libya tại Bangladesh và Ấn Độ đã thông báo quyết định từ chức.
Ông Ali al-Essawi, cựu đại sứ Libya tại Ấn Độ, đã lên tiếng cáo buộc nhà chức trách Libya đang sử dụng lính đánh thuê người châu Phi để đối phó với người biểu tình.
Trong khi đó, dù không từ chức, ông Ali Aujali, Đại sứ Libya tại Mỹ, đã thúc giục ông Gaddafi ra đi và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động trấn áp người biểu tình ở Libya. Theo hãng tin AP, Đại sứ quán Libya tại Malaysia cũng ra tuyên bố lên án hành vi sát hại dân thường trong nước.
Liên Hiệp Quốc họp kín
Tại Liên Hiệp Quốc, phái bộ của Libya hôm 21-2 thông báo đứng về phía người biểu tình. Riêng Phó Đại sứ Libya Ibrahim Dabbashi thúc giục ông Gaddafi từ chức, chấm dứt 42 năm lãnh đạo nước này (ông Gaddafi lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính vào năm 1969).
Ông Dabbashi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt vùng cấm bay trên bầu trời các thành phố ở Libya để “không có vũ khí và lính đánh thuê nào” đến được nước này.
Đám đông người Libya biểu tình phản đối chế độ Muammar Gaddafi
bên ngoài Đại sứ quán Libya ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 22-2. Ảnh: REUTERS
Theo yêu cầu của ông Dabbashi, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến có cuộc họp kín trong ngày 22-2 để bàn về tình hình Libya. Trước đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã nói chuyện qua điện thoại với ông Muammar Gaddafi và thúc giục ông “chấm dứt sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình”.
Khoảng 70 nhóm nhân quyền khắp thế giới kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động ngay tức thì để “ngăn chặn hành động tàn bạo của Chính phủ Libya đối với người dân mình”.
Trước tình hình ngày càng xấu đi ở Libya, nhiều nước đang tìm cách sơ tán công dân khỏi Libya đồng thời khuyến cáo không đến nước này. Bồ Đào Nha và Áo hôm 21-2 đã điều máy bay quân sự tới Tripoli để sơ tán công dân mình và công dân các nước thuộc Liên hiệp châu Âu khác.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch gửi 4 máy bay và 2 chiếc phà đến Libya để đưa công dân mình về nước. Ngoài ra, hàng ngàn người Tunisia sống tại Libya đã chạy về quê nhà để tránh cuộc khủng hoảng.
Giá dầu tăng, cổ phiếu giảm
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua hôm 22-2 khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya ngày càng tồi tệ. Tại London (Anh), giá dầu thô Brent giao tháng 4 tăng lên 107,27 USD, mức cao nhất kể từ cuối năm 2008.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 tại thị trường New York (Mỹ) tăng lên 93,40 USD/thùng. Ngoài ra, tình hình bất ổn ở Libya cũng khiến cổ phiếu châu Á sụt giảm.
Ông Gaddafi muốn “tử vì đạo”
Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tuyên bố sẽ không rời khỏi Libya bất chấp làn sóng phản đối ông đang gia tăng trong nước.
Trong bài diễn văn đọc trên truyền hình vào cuối ngày 22-2 (giờ Việt Nam), ông Gaddafi thề sẽ “chết như là một người tử vì đạo” trong nước. Ông nói: “Đây là đất nước của tôi và thuộc về anh em của tôi”.
Theo hãng tin Reuters, ông Gaddafi đã quy trách nhiệm tình hình bất ổn trong nước hiện nay cho một bộ phận thanh niên mà ông cho là “đang sao chép những sự kiện xảy ra ở những nước Ả Rập khác”.
Ông cáo buộc những người biểu tình đang muốn biến Libya thành một nước Hồi giáo.
Cũng theo ông Gaddafi, hình ảnh đất nước Libya đã bị xuyên tạc trước thế giới.
Ông khẳng định vẫn chưa sử dụng vũ lực nhưng sẽ dùng nếu cần, đồng thời kêu gọi người dân xuống đường trong ngày 23-2 để bày tỏ sự ủng hộ ông. |
Bình luận (0)