Đây là cuộc đụng độ phe phái tồi tệ nhất trong hai năm ở Libya trong bối cảnh Libya đang rơi vào tình trạng bất ổn chính trị nhiều tháng. Các cuộc đụng độ làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay có thể biến thành một cuộc xung đột mới quy mô lớn ở quốc gia Bắc Phi này.
Giao tranh đã nổ ra trong đêm 26-8 và kéo dài đến sáng 27-8. Đài RT đưa tin giao tranh tiếp diễn dữ dội ở thủ đô Tripoli trong đêm 27-8. Kể từ đó, thành phố bị nhấn chìm trong bạo lực, theo các nhân chứng được truyền thông quốc tế trích dẫn.
Bạo lực đã gây ra sự hoảng loạn trên diện rộng của cư dân Tripoli. Các vụ cháy và nổ nhỏ xảy ra tại một số quận của thủ đô Tripoli trong đêm và rạng sáng 27-8, nhiều cột khói đen bốc lên nghi ngút từ các tòa nhà bị hư hại.
Khói đen bốc lên nghi ngút từ các tòa nhà bị hư hại ngày 27-8 ở Tripoli. Ảnh: Reuters
Nhiều bức ảnh và video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy những đám khói đen cuồn cuộn bao trùm thành phố khi các phần tử vũ trang và khí tài quân sự di chuyển qua các đường phố Tripoli. Trong một số video, các tòa nhà dân cư bị trúng đạn pháo và nghe thấy tiếng súng, tiếng nổ.
6 bệnh viện bị tấn công và xe cứu thương không thể tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng do các cuộc đụng độ.
Các phe đối địch đã sử dụng súng máy hạng nặng và súng cối để nhắm mục tiêu lẫn nhau.
Ngày 27-8, Bộ Y tế đưa ra con số thiệt hại sơ bộ là 23 người chết, trong đó có 17 dân thường và 140 người bị thương. Theo hãng tin AP, 64 gia đình đã được sơ tán khỏi các khu vực diễn ra giao tranh.
Đại diện cơ quan y tế Tripoli, ông Malek Merset, cho biết các đội cứu thương vẫn đang cố gắng sơ tán những người bị thương và dân thường bị mắc kẹt trong giao tranh bùng phát qua đêm.
Bộ Y tế Libya đã lên án các vụ giao tranh. Ảnh: Reuters
Nhiều bức ảnh và video về giao tranh xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh: RT
Bộ Y tế Libya đã lên án các vụ giao tranh, gọi đây là "tội ác chiến tranh". Hội đồng TP Tripoli đổ lỗi cho tầng lớp chính trị cầm quyền về tình hình xấu đi ở thủ đô, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế "bảo vệ thường dân ở Libya".
Phái đoàn Hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc tại Libya kêu gọi "chấm dứt ngay các hành động thù địch", trong khi Đại sứ quán Mỹ tại Libya bày tỏ hết sức lo ngại về các vụ giao tranh.
Căng thẳng chính trị gia tăng ở Libya kể từ khi Quốc hội nước này chỉ định ông Fathi Bashagha làm thủ tướng mới, thay thế Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) là ông Abdulhamid al-Dbeibah. Chính quyền của ông Abdulhamid al-Dbeibah thông báo giao tranh nổ ra sau khi các cuộc đàm phán nhằm tránh đổ máu ở Tripoli thất bại.
Chính quyền của ông Abdulhamid Dbeibah được thành lập trong tiến trình hòa bình do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn sau một làn sóng bạo lực trước đó ở Libya.
Theo Reuters, các lực lượng gồm hàng trăm phương tiện đang tiến vào TP Tripoli từ nhiều phía. Các lực lượng này được cho là đang hỗ trợ chính phủ của cựu Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu ông ấy có tìm cách tổ chức một cuộc tấn công vào thủ đô và lật đổ ông Abdulhamid al-Dbeibah bằng vũ lực hay không.
Cả hai nhà lãnh đạo đều cáo buộc lẫn nhau đã làm gián đoạn các cuộc đàm phán chính trị được cho là sẽ giúp các bên đạt được thỏa thuận.
Bình luận (0)