Một nhân viên an ninh giấu tên cho biết: "60-70 xe quân sự chở các tay súng đang bao vây đường băng và buộc hành khách rời khỏi máy bay. Không ai được phép vào trong".
Các tay súng bao vây đường băng... Ảnh: Reuters
...và khống chế sân bay quốc tế Tripoli. Ảnh: Reuters
Người này cho hay nhóm vũ trang bao vây sân bay là Lữ đoàn Al-Awfea đến từ thị trấn Tarhouna, cách thủ đô Tripoli 80 km về phía đông nam. Họ yêu cầu trả tự do cho Đại tá Abu Oegeila al-Hebeishi, một trong các thủ lĩnh của nhóm này, bị mất tích hai đêm trước.
Phát ngôn viên Hội đồng Quốc gia chuyển tiếp (NTC) cầm quyền tại Libya, ông Mohammed al-Harizy, cho hay Đại tá Abu Oegeila al-Hebeishi đã bị các tay súng nổi dậy chưa rõ danh tính bắt cóc đêm 2-6 khi ông đang di chuyển giữa thị trấn Tarhouna và thủ đô Tripoli. Tuy nhiên, Lữ đoàn Tarhouna khẳng định lực lượng an ninh Tripoli đứng đằng sau vụ bắt cóc này.
Đụng đổ nổ ra sau đó khi hai nhóm vũ trang Tripoli và Zintan đến sân bay cố trục xuất nhóm Awfea. Đến đêm 4-6 (giờ địa phương), Reuters dẫn lời người phát ngôn chính phủ Libya Nasser al-Manee cho biết tình hình đã được khống chế. “Sân bay sẽ hoạt động lại trong vòng 24 giờ. Có một số người bị thương” – ông Nasser al-Manee nói trong cuộc họp báo lúc nửa đêm.
Còn Al-Arabiya dẫn lời Thứ trưởng Nội vụ Libya Omar al-Khadrawi đêm 4-6: “Nhà chức trách đã hoàn toàn kiểm soát sân bay. Một số kẻ tấn công đã bỏ trốn và một số khác đã đầu hàng mà không kháng cự”. Theo ông này, có khoảng 30 đến 40 người đã bị bắt. Hiện vẫn chưa có tường thuật về thương vong trong vụ chiếm đóng này.
Lãnh đạo sân bay đàm phán với các tay súng. Ảnh: Reuters
Vụ tấn công xảy ra chỉ hai tuần trước ngày Libya tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ năm 1969. Ngày 19-6, Libya dự kiến tổ chức bầu cử để chọn ra hội đồng gồm 200 thành viên để giám sát soạn thảo hiến pháp mới và thành lập chính phủ.
Nằm ở miền trung Libya, Tarhouna từng là địa phương được cố lãnh đạo Muammar Gaddafi ưu ái. Bộ tộc Tarhouna nắm giữ nhiều vị trí trong quân đội Libya dưới thời ông Gaddafi. Khi các cuộc nổi dậy bùng lên, ở Tarhouna xảy ra nhiều cuộc xung đột giữa phe đối lập và lực lượng trung thành với chính phủ cũ.
Sau khi NTC nắm quyền, nhóm vũ trang Tarhouna thường đụng độ với các tay súng đến từ Misrata và Tripoli.
Bình luận (0)