Thời kỳ “hậu Gaddafi” tại Libya sẽ có nhiệm vụ xây dựng lại đất nước Bắc Phi này sau 42 năm dưới sự lãnh đạo của đại tá Gaddafi.
Sau khi giải phóng Tripoli, Chủ tịch NTC Mustafa Abdul Jalil tuyên bố kỷ nguyên Gaddafi đã hết và Libya sẽ được xây dựng thành một đất nước ôn hòa, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chính phủ mới ở Libya sẽ nỗ lực tạo dựng hòa bình và thịnh vượng cho mọi người dân.
Ông Mustafa Abdul Jalil được chào đón khi xuất hiện ở thủ đô Tripoli của Libya mới đây
Cộng đồng quốc tế hy vọng đất nước Libya bước sang trang sử mới hòa bình, hòa giải dân tộc. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon kêu gọi một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm và hòa bình tại Libya và cam kết LHQ sẽ hỗ trợ hết mức cho người dân quốc gia Bắc Phi này. Lời cam kết này đã được thực hiện ngay khi ngày 16-9, Đại hội đồng LHQ đã kết nạp NTC là thành viên LHQ, công nhận NTC là đại diện hợp pháp của nhân dân Libya.
Song song với hoạt động quân sự của NATO, các hoạt động ngoại giao quốc tế cũng diễn ra dồn dập để ủng hộ Libya. Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là 2 nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới thăm Libya sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ. Chính phủ Anh đã chính thức trình Hội đồng Bảo an LHQ một nghị quyết về nới lỏng phong tỏa tài sản và cấm vận vũ khí đối với Libya.
Trong diễn văn chính thức đầu tiên tại Tripoli, Chủ tịch NTC, ông Mustafa Abdul Jalil tuyên bố: “Chúng ta phấn đấu xây dựng một nhà nước pháp quyền, một nhà nước phồn vinh, một nhà nước Hồi giáo ôn hòa, không chấp nhận tư tưởng cực đoan”.
Tuy nhiên, chưa thể khẳng định chắc chắn ai sẽ nắm quyền lãnh đạo lâu dài Libya thời kỳ “hậu Gaddafi”. Theo báo The New York Times, Nhà Trắng cho rằng nếu các kế hoạch chuyển tiếp không được vạch ra nhanh chóng thì tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra. Mỹ và các đồng minh phương Tây cảnh báo trong những tháng tới có thể xảy ra những cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm. Những nhà lãnh đạo mới phải có đủ năng lực giải quyết một loạt lợi ích của các thủ lĩnh bộ lạc các nhóm Hồi giáo, các tập đoàn kinh tế chi phối nguồn dầu mỏ lớn của đất nước.
Giáo sư Nicholas Burns, Trường Đại học Harvard, cựu thứ trưởng ngoại giao thời chính quyền George W.Bush, nói: “Khó khăn lớn không dễ vượt qua đối với NTC là làm sao thành lập được một chính phủ hoạt động hiệu quả trên toàn bộ lãnh thổ rộng lớn nhiều bộ lạc, chủng tộc như Libya. Nếu không ngăn chặn được sự trả thù lẫn nhau giữa các phe nhóm thì khó tránh khỏi kịch bản đã diễn ra tại Iraq!”.
Các nhà phân tích nhận xét các nhà lãnh đạo mới của Libya đang phải đối mặt với thách thức lớn là kiến tạo một chính phủ ở một đất nước trong lịch sử gần đây không có dân chủ cũng như không có các thể chế dân sự độc lập. Nhưng sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng chính phủ mới ở Libya sẽ hoàn toàn thân phương Tây bởi được NATO hỗ trợ quân sự. Cách tốt nhất đối với phương Tây là để cho một Libya độc lập tự tìm tiếng nói của riêng mình với sự hỗ trợ và hợp tác của cộng đồng quốc tế.
Bình luận (0)