Hôm 3-9, ông Biden tuyên bố hùng hồn: “Chúng ta sẽ theo bọn chúng đến tận cửa địa ngục cho đến khi chúng bị đưa ra trước công lý”. Theo kênh Fox News, lời lẽ được cho là cứng rắn nhất của chính quyền Washington sau khi nhà báo Mỹ thứ hai bị IS chặt đầu khác biệt với thông điệp trước đó cùng ngày của Tổng thống Barack Obama, rằng dù chính quyền Mỹ nhắm đến “tiêu diệt” IS, mục đích này sẽ thu nhỏ thành “vấn đề quản lý”. Những thông điệp như vậy khiến dư luận thắc mắc Mỹ sẽ mở rộng cuộc chiến chống IS ra sao và liệu các quân nhân ở Baghdad có tham chiến hay không.
Hầu hết người dân Mỹ không muốn quân đội nước này can dự quá sâu vào cuộc chiến chống IS ở Iraq Ảnh: REUTERS
Chiến lược của Washington trở nên rõ ràng hơn khi Tổng thống Obama và Thủ tướng Anh David Cameron hôm 4-9 cùng kêu gọi các nhà lãnh đạo NATO thành lập liên minh đối đầu với IS - thông qua sức mạnh quân sự, sức ép ngoại giao và trừng phạt kinh tế; đồng thời thúc giục các đối tác trong khu vực như Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham gia.
Trong bối cảnh đó, nhà phân tích về Trung Đông của báo The Times of Israel, ông Avi Issacharoff, nhấn mạnh báo chí thời gian qua đã thổi phồng quá đáng sức mạnh của IS, giúp IS tạo ra được những thắng lợi trên mặt trận quảng bá hình ảnh. Ông cho rằng IS không phải là thế lực quân sự có thể đe dọa một quân đội đang hoạt động. Tuy nhiên, tổ chức cực đoan này có thể gây thiệt hại đáng kể qua các vụ tấn công khủng bố và khiến công chúng sợ hãi.
Bình luận (0)