Theo các nguồn tin của Reuters, EU đang lâm vào tình huống "khó có thể duy trì các biện pháp trừng phạt cứng rắn đồng thời tránh leo thang căng thẳng hơn nữa với Nga". Vì vậy, các quan chức EU đang tìm cách đàm phán về việc miễn trừng phạt vùng Kaliningrad. Động thái này có khả năng mở đường cho một thỏa thuận trong những ngày tới.
Các quan chức EU giấu tên nói với Reuters rằng nếu vùng Kaliningrad tiếp tục bị phong tỏa, Moscow có thể sử dụng vũ lực để thiết lập một hành lang trên bộ xuyên qua lãnh thổ của mình nối vùng ngoại ô với phần còn lại của Nga.
Đức - quốc gia được cho là tích cực ủng hộ việc tìm kiếm thỏa hiệp - cũng lo ngại sự hiện diện của quân đội Đức ở Lithuania có thể khiến họ và các quốc gia NATO khác bị cuốn vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga.
Tàu hỏa chở hàng đi từ vùng Kaliningrad về phía nhà ga ở Kybartai - Lithuania. Ảnh: AP
“Chúng tôi phải đối mặt với thực tế. Kết quả cuối cùng về tình hình ở vùng Kaliningrad có thể sẽ không công bằng đối với EU. Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhiều đòn bẩy hơn chúng tôi" - một quan chức EU thừa nhận.
Thành viên Nghị viện châu Âu của Lithuania Petras Austrevicius cho biết các cuộc thảo luận đã được tiến hành ở Brussels - Bỉ liên quan đến cuộc phong tỏa vùng Kaliningrad và Nga đang “giành chiến thắng vào lúc này”.
Đầu tuần này, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, cảnh báo rằng phản ứng của Moscow đối với các hành động của Vilnius có thể là "không cân xứng".
Trong một diễn biến khác, báo The Telegraph (Anh) hôm 30-6 dẫn lời Công ty Dynagas LNG (trụ sở tại Monaco) cho biết Đức đã bắt giữ 3 tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thuộc Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga). Gazprom chưa xác nhận các vụ bắt giữ này.
Ba tàu trên được sử dụng cho công ty con của Gazprom tại Đức, Gazprom Germania. Trong đó, 2 tàu Amur River và the Ob River được Gazprom Germania thuê đến năm 2028. Tàu thứ ba Clean Energy được thuê đến năm 2026. Cả 3 tàu hiện do chính phủ Đức kiểm soát trong "một khoảng thời gian không xác định", theo Dynagas LNG.
Gazprom Germania - công ty từng vận hành một số cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất của Đức - nằm dưới sự kiểm soát của Berlin cách đây vài tuần trong khuôn khổ lệnh trừng phạt Nga. Đáp lại, Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho công ty này, dẫn đến vấn đề thanh khoản và có thể làm ảnh hưởng tới các nhà bán lẻ khí đốt quan trọng ở Đức và Anh đang hợp tác với Gazprom Germania.
Bình luận (0)