Đài CNN đưa tin công ty Bombardier đang chế tạo Global 8000 thành "máy bay chở khách nhanh nhất và có tầm bay xa nhất thế giới". Không chỉ vậy, đây cũng sẽ là mẫu máy bay siêu thanh thương mại đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), một loại nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Theo tuyên bố từ Bombardier, chiếc Global 8000 dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2025 với sức chứa tối đa 19 hành khách, tầm bay 14.800 km và tốc độ nhanh nhất là Mach 0,94 (1.151 km/giờ).
Chuyến bay thử nghiệm Global 8000 được thực hiện sau gần 1 năm kể từ khi mẫu máy bay Global 7500, phương tiện đạt vận tốc tối đa Mach 1.015 (1.243 km/giờ), được thử nghiệm hồi tháng 5-2021. Tốc độ âm thanh trong không khí là khoảng 1.236 km/giờ.
Thiết kế máy bay Bombardier Global 8000. Ảnh: CNN
Theo hãng tin Reuters, khi đi vào khai thác năm 2025, Global 8000 được dự đoán sẽ cạnh tranh với máy bay Gulfstream G700 của hãng General Dynamics (Mỹ) và máy bay Falcon 10X của hãng Dassault Aviation (Pháp). Nhiều người gọi Global 8000 là phiên bản tầm xa của Global 7500.
Ông Éric Martel, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bombardier, cho biết: "Máy bay Global 8000 tận dụng những đặc tính nổi bật của máy bay Global 7500, mang đến một phương tiện hàng đầu của kỷ nguyên mới".
Máy bay Global 8000 sẽ có giá niêm yết là 78 triệu USD, cao hơn một chút so với máy bay chủ chốt của Bombardier là Global 7500 có giá bán niêm yết 75 triệu USD.
Thiết kế bên trong cabin máy bay Global 8000. Ảnh: Bombardier
Không gian bên trong máy bay Global 8000. Ảnh: Bombardier
Có thể nói Global 8000 là một trong rất nhiều nỗ lực của ngành hàng không thế giới để phát triển máy bay chở khách tốc độ cao trong hai thập kỷ qua, sau khi máy bay siêu thanh thương mại Concorde ngừng vận hành.
Năm 2021, hãng hàng không United Airlines thông báo sẽ mở các tuyến bay siêu thanh sớm nhất từ năm 2029, sau khi đạt thỏa thuận mua 15 máy bay siêu thanh.
Trong khi đó, hãng sản xuất Boom Supersonic có trụ sở tại bang Colorado - Mỹ đã thử nghiệm trên mặt đất với mẫu máy bay siêu thanh đầu tiên của hãng có thể bay với tốc độ Mach 2.2. Máy bay được thiết kế để chở 65-88 người với mục tiêu đưa vào phục vụ trong 500 tuyến bay xuyên đại dương.
Đáng tiếc, công ty khởi nghiệp hàng không Aerion có trụ sở tại bang Florida - Mỹ đã phá sản, sau khi tiết lộ kế hoạch sản xuất máy bay thương mại Aerion AS3 có tốc độ Mach 4+ (4.900+ km/giờ) vào năm 2021.
Bình luận (0)