Ông Pak Jong-chon là người vừa được bầu làm ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị và bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên.
Ban thường vụ Bộ Chính trị của Triều Tiên gồm 5 thành viên, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un là người đứng đầu. Ông Pak được cho là thay thế vị trị của ông Ri Pyong-chol, người bị loại ra khỏi Ban thường vụ vì không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác chống dịch Covid-19. Ông Pak được xem là nhân vật có ảnh hưởng trong việc định hình chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Theo KCNA, tên lửa hành trình đã bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.500 km trước khi rơi xuống lãnh hải Triều Tiên trong quá trình thử nghiệm vào ngày 11 và 12-9.
Vụ thử mới nhất cho thấy sự tiến bộ ổn định trong chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng. Tên lửa hành trình của Triều Tiên thường ít được quan tâm hơn tên lửa đạn đạo vì chúng không bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ông Pak được xem là nhân vật có ảnh hưởng trong việc định hình chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Triều Tiên hôm 13-9 khen ngợi tên lửa nói trên là "vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng" nhằm đáp ứng lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tăng cường sức mạnh quân sự của đất nước. Chuyên gia Ankit Panda tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế ở Mỹ cho biết đây là tên lửa hành trình đầu tiên tại Triều Tiên được giao vai trò "chiến lược", thường chỉ dùng cho các hệ thống vũ khí hạt nhân.
Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của quân đội Mỹ xác nhận họ đã nhận được báo cáo về vụ thử và đang phối hợp với các đồng minh cũng như đối tác của mình. INDOPACOM nhận định trong một tuyên bố: "Động thái mới cho thấy Triều Tiên tiếp tục tập trung phát triển chương trình quân sự và đặt ra các mối đe dọa cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế".
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu bày tỏ lo ngại về thông tin vụ thử tên lửa và sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ cùng Hàn Quốc để theo dõi tình hình.
Vụ phóng thử được công bố một ngày trước khi các quan chức đối thoại hạt nhân của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc gặp nhau tại Tokyo để tìm cách phá vỡ thế bế tắc liên quan đến việc giải trừ hạt nhân Triều Tiên.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho biết họ sẵn sàng thông qua các kênh ngoại giao để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên nhưng không cho thấy ý định giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng dự kiến thăm Seoul vào ngày 14-9 để hội đàm với người đồng cấp Chung Eui-yong.
Lễ duyệt binh kỳ lạ của Triều Tiên: Trang phục khử nhiễm "chiếm sóng"
Bình luận (0)