Bảng xếp hạng của EIU công bố ngày 9-3 cho thấy Singapore tiếp tục đứng ở vị trí số một, trước cả các thành phố Zurich (Thụy Sĩ), Hồng Kông, Geneva (Thụy Sĩ) và Paris (Pháp) về mức độ đắt đỏ.
London (Anh) và New York (Mỹ) lần lượt giữ vị trí thứ sáu và thứ bảy. EIU đã tiến hành nghiên cứu và thu thập dữ liệu của 133 thành phố trên khắp thế giới và đưa ra kết quả nói trên.
Mặc dù là thành phố có mức sống đắt đỏ nhất thế giới nhưng chi phí sinh hoạt nói riêng tại Singapore vẫn rẻ hơn khoảng 10 % so với New York.
Đáng chú ý, cả 2 thành phố Sydney và Melbourne của Úc đều bất ngờ thoát khỏi bảng xếp hạng 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm nay do đồng tiền nước này đã mất hơn 7% so với đồng USD kể từ đầu năm 2015.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ chứng kiến sự thay đổi đáng kể thứ hạng của các thành phố từ năm ngoái cho đến năm nay.
Thêm vào đó, các thành phố được EIU khảo sát phải đối phó với nhiều yếu tố trong nền kinh tế, từ sức mạnh của đồng USD, phá giá tiền tệ, giá dầu thế giới giảm cho đến giá cả hàng hóa và bất ổn địa chính trị.
“Trong gần 17 năm tham gia những cuộc khảo sát như thế này, tôi chưa từng thấy một năm nào có nhiều biến động như năm 2015” - biên tập viên Jon Copestake, người trực tiếp biên tập kết quả xếp hạng, cho biết.
Người này cho biết thêm: “Giá cả hàng hóa tụt giảm gây áp lực giảm phát ở một số nước, nhưng tiền tệ suy yếu ở một vài nước khác lại dẫn đến tình trạng lạm phát gia tăng”.
Cũng theo bảng xếp hạng của EIU, Ấn Độ và Pakistan chiếm tới 5/10 thành phố có mức sống rẻ nhất thế giới. Trong đó, 3 thành phố cuối bảng xếp hạng là Lusaka (thủ đô của Zambia, đứng chót), theo sau là phố Bangalore và Mumbai ở Ấn Độ.
Bình luận (0)