Là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất toàn cầu và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, Huawei đã củng cố lại hệ thống an ninh điện tử trong các văn phòng ở nước ngoài và trụ sở ở Trung Quốc để giảm thiểu nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm.
Chưa hết, Huawei cũng đang đầu tư hàng tỉ USD để phát triển phần mềm riêng, thay thế hệ điều hành Android của Google.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen để hạn chế công ty này sử dụng công nghệ của Mỹ. Công ty Trung Quốc cảnh báo bước đi này có thể khiến họ thiệt hại 10 tỉ USD năm nay.
Động thái của Washington buộc Huawei phải cắt giảm nhân sự có quyền công dân hoặc cư trú tại Mỹ bởi nỗi lo sợ các cơ quan Mỹ có thể khai thác họ. Một số giám đốc điều hành của Huawei, với các vị trí nghiên cứu và phát triển cấp cao, gồm cả người Mỹ gốc Á, rời khỏi công ty hoặc được luân chuyển.
Nhân viên cửa hàng Huawei ở Bắc Kinh. Ảnh: VOA
Nguồn tin nói với Tạp chí Nikkei Asian Review: "Một phần lý do khiến các giám đốc điều hành Mỹ rời Huawei là mối lo ngại rằng cơ quan tình báo Mỹ có thể đã tiếp xúc với một số nhân viên Mỹ làm việc cho Huawei. Công ty này đang lo lắng rằng những giám đốc điều hành cấp cao khác (có quốc tịch hoặc cư trú tại Mỹ) cũng rơi vào cảnh tương tự".
Một trong số các giám đốc điều hành bị luân chuyển là Sunhom Steve Paak - giám đốc công nghệ của HiSilicon Technologies, công ty con của Huawei. Trước kia, Huawei đã "quyến dụ" Paak về đầu quân khi đương chức phó chủ tịch cấp cao về mảng phát triển chất bán dẫn cho Samsung Electronics. Ông Paak hiện đã rời Huawei.
Một người khác là Vương Tín Thạch, trưởng nhóm phát triển công nghệ của Huawei tại Đài Loan và là cựu phó chủ tịch của Công ty Farraday Technology. Ông Vương từng làm việc tại Thung lũng Silicon.
Nguồn tin tiết lộ: "Một phần nguyên nhân ông Vương ra đi đột ngột là mối liên hệ của ông ấy với Mỹ". Nguồn tin khác xác nhận các nhân sự rời đi do Huawei lo ngại rằng các nhà khoa học có liên quan đến Mỹ làm việc tại đây có thể sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của Washington.
Đến nay, Huawei đã sa thải 70% nhân viên người Mỹ tại công ty con Futurewei ở Mỹ với lý do "cắt giảm hoạt động kinh doanh" do lệnh cấm về công nghệ gây ra.
Doanh số Mate 30 của Huawei tăng mạnh ở Trung Quốc nhưng việc mất các dịch vụ của Google tác động không nhỏ ở thị trường nước ngoài. Ảnh: NIKKEI
Việc tái bố trí nhân sự là dấu hiệu mới nhất về sự tách rời giữa hai nền kinh tế lớn nhất khi họ đang cạnh tranh để giành ưu thế về kinh tế, tài chính, công nghệ và quân sự. Hồi tuần trước, phía Mỹ cho biết hai bên đã đạt được thoả thuận một phần với Trung Quốc và sẽ hoãn áp dụng gói thuế dự kiến có hiệu lực vào ngày 15-10.
Tuy nhiên, thoả thuận sơ bộ này lại không đề cập đến 2 vấn đề vẫn đang gây tranh cãi. Đó là liệu Mỹ có tiếp tục gán mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc hoặc liệu họ sẽ tiếp tục giữ Huawei trong danh sách đen do nỗi lo về vấn đề an ninh quốc gia.
Bình luận (0)