Trong tuyên bố chung được đưa ra hôm 19-5, sau 2 ngày đàm phán tại Washington, Trung Quốc cam kết sẽ mua thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ để giúp giảm thâm hụt thương mại của nền kinh tế số 1 thế giới.
Mơ hồ
Đó là kết quả sau cuộc đàm phán cấp cao giữa phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu với phía Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu cùng các bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Tuyên bố chung giữa hai nước còn khá mơ hồ khi không đề cập việc Trung Quốc sẽ mua bao nhiêu hay các thương vụ này sẽ diễn ra như thế nào và cũng không cho biết liệu Mỹ có rút lại kế hoạch áp đặt thuế lên số hàng hóa trị giá hàng tỉ USD hoặc dỡ bỏ thuế áp lên mặt hàng thép, nhôm của Trung Quốc hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng hôm 17-5 Ảnh: WHITE HOUSE
Theo tuyên bố chung, cả hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ về những vấn đề này và tìm cách giải quyết các mối lo ngại kinh tế và thương mại một cách chủ động. Hôm 18-5, các quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đề xuất kế hoạch thúc đẩy hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD trong những năm tới, bằng cách giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác. Tuy nhiên, chi tiết này không được nhắc đến trong tuyên bố chung.
Chưa hết, tuyên bố chung cũng không đề cập liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ trì hoãn kế hoạch áp mức thuế trị giá 50 tỉ tới 150 tỉ USD đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm gây áp lực cho Bắc Kinh ngừng đánh cắp tài sản trí tuệ của Washington và buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Kết quả sau cuộc đàm phán cũng không cho biết tiến triển của việc chính quyền ông Trump cân nhắc hạn chế đầu tư của Trung Quốc trong khuôn khổ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thay vào đó, tuyên bố chung chỉ nêu rằng hai bên đồng ý khuyến khích đầu tư hai chiều và nỗ lực tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng. Ngoài ra, tương lai của các biện pháp trừng phạt mới lên mặt hàng thép và nhôm Trung Quốc của Mỹ cũng không được làm rõ.
Hãng tin Tân Hoa Xã hôm 20-5 trích lời ông Lưu khẳng định: "Hai bên đã đạt đồng thuận, sẽ không tiến hành một cuộc chiến thương mại và sẽ ngừng tăng thuế lẫn nhau". Hãng tin này còn nhấn mạnh rằng đây là bằng chứng cho mối quan hệ hợp tác hai bên cùng thắng.
Đe dọa an ninh
Bất chấp những tuyên bố có phần tự tin của giới chức cả hai phía về khả năng chiến tranh thương mại tạm thời lắng dịu, theo 2 nguồn tin thân cận cuộc đàm phán, một vấn đề gây đau đầu khác đang nổi lên là liệu Mỹ có nới lỏng việc kiểm soát xuất khẩu một số sản phẩm nhất định và công nghệ hay không. Hoạt động kiểm soát này nhằm xác định các sản phẩm với các ứng dụng quân sự hoặc công nghệ tiên tiến, như chất bán dẫn cho điện thoại thông minh và máy tính, có thể xuất khẩu sang nước nào và với số lượng ra sao.
Ông Mnuchin đã thúc đẩy giảm các quy tắc để ngăn chặn nguy cơ dẫn đến chiến tranh thương mại và bảo đảm việc Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ trong những năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Mnuchin hứng chịu sự phản đối gay gắt từ các quan chức Bộ Quốc phòng, những người lo ngại thương vụ như thế có thể làm tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ.
Theo tờ Politico (Mỹ), tuyên bố chung cũng không đề cập việc liệu Bộ Thương mại có nới lỏng biện pháp trừng phạt đối với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc ZTE, tập đoàn bị cáo buộc vận chuyển trái phép hàng hóa đến Iran và Triều Tiên, hay không. Hôm 13-5, ông chủ Nhà Trắng cho biết muốn Bộ Thương mại rút lại lệnh trừng phạt lên ZTE sau khi có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề này. Động thái của ông Trump dẫn đến những phản ứng gay gắt trong nội bộ chính quyền Mỹ khi cho rằng sự nhượng bộ đối với ZTE là vi phạm pháp luật và nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Trong bối cảnh Washington - Bắc Kinh hục hặc về vấn đề kinh tế, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẽ nỗ lực thuyết phục Trung Quốc trở thành đồng minh về tự do thương mại trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập tại Bắc Kinh trong tuần này.
Đồng minh "nặng ký"
Triều Tiên có thể trở thành đồng minh "nặng ký" nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong đàm phán thỏa thuận thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo nhận định của Bloomberg. Giữa lúc đang hướng tới cuộc họp thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng tới, ông chủ Nhà Trắng hẳn sẽ tìm kiếm tất cả những trợ giúp có thể, đặc biệt là từ phía Bắc Kinh - đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng. Điều đó giúp Trung Quốc có thêm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với chính quyền của ông Trump nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại.
Trong khi Mỹ cố gắng giữ hai vấn đề này tách bạch, sự đổi giọng đột ngột của Bình Nhưỡng hồi tuần rồi đã khuấy động những ngờ vực trong chính quyền của ông Trump rằng Trung Quốc có thể đang tìm cách kết nối chúng lại. Bản thân Tổng thống Mỹ cũng nói với báo giới rằng: "Vì nhiều lý do, có thể bao gồm cả thương mại, Chủ tịch Tập đang gây ảnh hưởng lên ông Kim Jong-un".
Mặc dù Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Triều Tiên, đất nước bị cô lập nhất thế giới vẫn đang dựa dẫm về kinh tế vào người hàng xóm có nền kinh tế đứng số hai thế giới. Hai nước chia sẻ hơn 1.200 km biên giới và Trung Quốc chiếm khoảng 90% kim ngạch thương mại của Triều Tiên, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Điều này mang lại ảnh hưởng to lớn cho ông Tập với lãnh đạo Triều Tiên. Ông Kim gần đây đã tới "chào hỏi" nhà lãnh đạo Trung Quốc tới hai lần.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế cấp cao David Dollar tại Viện Brookings (Mỹ), nếu muốn Trung Quốc hợp tác trong vấn đề Triều Tiên thì Washington không thể thẳng tay trong vấn đề thương mại. Điều này phần nào giải thích cho việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin được "chọn mặt gửi vàng", vừa giữ trọng trách tiến hành chiến dịch của ông Trump nhằm gây sức ép để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vừa dẫn đầu đội đàm phán thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Ông Mnuchin được cho là có quan điểm hòa dịu hơn về các vấn đề thương mại với Bắc Kinh so với những tiếng nói cứng rắn hơn trong Nhà Trắng, chẳng hạn như cố vấn thương mại Peter Navarro - tác giả của cuốn "Chết dưới tay Trung Quốc" nổi tiếng.
Bình luận (0)