Các nhà sản xuất máy bay chiến đấu cho biết họ đang bận rộn hơn bao giờ hết sau 5 năm im ắng tại khu vực này.
Các nguồn tin chính phủ và ngành công nghiệp máy bay chiến đấu cho biết sẽ có nhiều thỏa thuận hàng tỉ USD từ những nước Đông Nam Á, như Malaysia, trong những tháng tới.
Một hội nghị thương mại được tổ chức ở thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia trong tuần này đã thu hút các khách hàng tiềm năng và hãng sản xuất máy bay từ Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ. Những người tham dự cho biết sự kiện năm nay sôi động hơn hẳn những năm trước. .
Máy bay chiến đấu F16 (phải) và Eurofighter Typhoon. Ảnh: Reuters
Một trong những khách hàng tiềm năng nhất khu vực là Malaysia, quốc gia đang muốn thay thế những chiếc máy bay MiG-29 của Nga từ những năm 1990 sau nhiều năm trì hoãn.
Các nguồn tin cho hay Malaysia có thể mua đến 18 máy bay có giá trị lên đến 2,5 tỉ USD. Các lựa chọn bao gồm Saab Gripen (Thụy Điển), Eurofighter Typhoon (Đức), Sukhoi Su-30 (Nga), máy bay JF-17 (Trung Quốc - Pakistan). Pháp khá lạc quan về khả năng giành hợp đồng đặt hàng cho máy bay chiến đấu Rafales do hãng Dassault sản xuất nhưng các công ty khác cũng tràn đầy hy vọng.
Ông John Brosnan, người đứng đầu bộ phận kinh doanh khu vực châu Á của công ty BAE Systems (Anh), một trong các tập đoàn tham gia liên doanh sản xuất Eurofighter, cho biết: “Chúng tôi hi vọng sẽ đưa Malaysia trở thành quốc gia thứ 9 mua máy bay chiến đấu Typhoon”. Bộ Quốc phòng Malaysia từ chối bình luận về vấn đề này
Trong khi đó, Thái Lan, quốc gia đang sở hữu máy bay chiến đấu F-5 của Northrop (Mỹ) và F-16 của Lockheed Martin (Mỹ), đã mua Saab Gripen và có thể đặt thêm loại máy bay này từ Thụy Điển. Riêng Indonesia có khả năng sẽ đặt hàng Su-35 của Nga để bổ sung có phi đội Su-30 hiện nay.
Máy bay Gripen. Ảnh: Reuters
Quan chức các nước, như Indonesia, cho biết mối quan tâm của họ về máy bay chiến đấu phần lớn xuất phát từ sự hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc ở biển Đông.
Ông Craig Caffrey, nhà phân tích cấp cao của tạp chí quốc phòng IHS Jane's, nhìn nhận: “Căng thẳng leo thang trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khiến quá trình hiện đại hóa quân sự trở thành một trong những ưu tiên của một số quốc gia. Philippines, Indonesia, Nhật Bản... đang theo sát Trung Quốc và chúng tôi không thấy dấu hiệu xu hướng này sẽ sớm kết thúc”.
Bình luận (0)