Theo hãng tin AP, sau các vòng đàm phán liên tục trong ngày 5, 6 và 7-7 (giờ địa phương) do Thủ tướng Mark Rutte chủ trì, các bên đi đến kết luận không thể đạt được đồng thuận, dẫn đến việc không thể duy trì liên minh cầm quyền.
Vị thủ tướng 56 tuổi, một trong những chính trị gia giàu kinh nghiệm nhất châu Âu, cho biết 4 đảng trong chính phủ bất đồng về kế hoạch mà ông đề ra nhằm siết chặt hạn chế đoàn tụ gia đình đối với các trường hợp xin tị nạn.
Ông Rutte, thủ tướng tại vị lâu nhất của Hà Lan, tuyên bố từ chức hôm 7-7 và cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Trước mắt, nội các của ông tiếp tục lãnh đạo Hà Lan với tư cách chính phủ tạm quyền.
Người tị nạn chờ đợi bên ngoài trung tâm tiếp nhận ở Ter Apel - Hà Lan tháng 8 năm ngoái Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, các nhà lập pháp đối lập thuộc các Đảng Vì tự do, Cánh tả xanh… không muốn lãng phí thời gian nên đã kêu gọi bầu cử lập tức.
Hơn 21.500 người bên ngoài châu Âu đã xin tị nạn ở Hà Lan vào năm 2022, theo văn phòng thống kê nước này. Song song đó, hàng chục ngàn người khác đã chuyển đến Hà Lan để làm việc và học tập. Những con số trên gây áp lực lên nguồn nhà ở vốn thiếu hụt ở quốc gia đông dân này.
Di cư là một chủ đề quan trọng của cuộc bầu cử Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) vào năm tới nhưng vấn đề này đã "châm ngòi nổ" sớm ở Hà Lan.
Trong chuyến thăm Tunisia vào tháng trước, Thủ tướng Rutte cùng người đồng cấp Ý và chủ tịch Ủy ban Điều hành EU đã tài trợ hơn 1 tỉ euro để giải cứu nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này, với mục đích ngăn chặn làn sóng di cư từ các bờ biển của nước này đến châu Âu.
Hôm 5-7, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng cho rằng EU nên ưu tiên ngăn chặn di cư bất hợp pháp thay vì cố thuyết phục 27 quốc gia thành viên chia sẻ trách nhiệm.
Chính phủ Ba Lan và Hungary tuần trước cũng nhấn mạnh việc ngăn chặn người di cư vào EU là biện pháp hiệu quả hơn hết.
Bình luận (0)