Tại bệnh viện Trung ương Vũ Hán nơi nhân viên y tế Yu Yajie làm việc, các y bác sĩ phải chiến đấu với Covid-19 trong tình trạng thiếu thốn khẩu trang và thiết bị y tế trầm trọng.
Họ phải dùng băng dính để chắp vá tạm những chiếc khẩu trang rách, tái sử dụng những cặp kính bảo hộ đáng lẽ chỉ được dùng 1 lần, dùng túi ni-lon để bọc giày do loại bọc y tế chuyên dụng đã không còn.
Một số nhân viên y tế ở Vũ Hán phải chật vật dùng tiền cá nhân để tự mua trang bị bảo hộ. Ảnh: AP
Cô Yu đang nằm nghỉ ở nhà do bị sốt cùng với nỗi lo bản thân đã bị nhiễm Covid-19. Sự thiếu hụt khẩu trang và trang phục bảo hộ đã khiến các nhân viên y tế ở tâm dịch Vũ Hán như cô có nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh rất cao.
"Rủi ro ở khắp nơi – đơn giản là vì không đủ nguồn cung" – cô Yu chia sẻ trong một đoạn phỏng vấn nhanh qua điện thoại (cô cho biết mình quá yếu nên không thể nói nhiều hơn).
Các nhân viên y tế - những người đi đầu trong cuộc chiến chống dịch viêm phổi do virus corona chủng mới (Covid-19) đang dần trở thành nạn nhân của nó, một phần do những bước điều phối chưa hợp lý và các rào cản hậu cần.
Khi các ca nhiễm đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán cuối năm ngoái, lãnh đạo thành phố đã đánh giá thấp độ nguy hiểm của nó nên khi đó các y bác sĩ vẫn chưa có đề phòng. Khi đại dịch nổ ra, lệnh phong toả được áp đặt lên Vũ Hán và sau đó là các khu vực khác của tỉnh Hồ Bắc.
Hàng rào phong toả có thể đã góp phần đáng kể làm giảm sự lây lan nhưng cũng vô tình làm chậm quá trình đưa những chuyến hàng dụng cụ y tế đến Hồ Bắc, làm trầm trọng hơn sự thiếu hụt ở đây.
Một số y bác sĩ đã xoay xở bỏ tiền túi ra để tự mua đồ bảo hộ cho mình, hoặc cầu xin bạn bè hoặc trông chờ vào nguồn quyên góp từ các địa phương khác của Trung Quốc hoặc từ nước ngoài.
Một số người còn hạn chế ăn uống vì việc phải đi vệ sinh đồng nghĩa với việc họ phải vứt bỏ bộ đồ bảo hộ duy nhất không có đồ thay thế của mình. Các nhân viên y tế trẻ tuổi hơn sẽ được giao những ca bệnh nặng hơn vì nếu lỡ họ có mắc bệnh thì vẫn sẽ dễ hồi phục hơn những người lớn tuổi.
Dù các quan chức Trung Quốc đã tiết lộ số lượng nhân viên y tế bị nhiễm bệnh (hơn 1.700 ca) và thiệt mạng (6 người) nhưng những câu hỏi quan trọng vẫn còn đó như: Các y bác sĩ đã bị lây như thế nào? Tốc độ lây nhiễm đã giảm hay chưa? Sự thiếu sót thông tin như vậy có thể khiến các nước khác gặp khó khăn trong việc đánh giá và giảm thiểu nguy cơ.
Chính phủ Trung Quốc đã nhìn thấy vấn đề và nhiều lần hứa sẽ đẩy nhanh việc đưa hàng viện trợ đến vùng dịch.
Chuẩn bị trang phục y tế cho một ca trực tại bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán. Ảnh: AP
Trong tình trạng khan hiếm trang phục bảo hộ, nhiều nhân viên y tế ở Vũ Hán nói rằng họ phải chấp nhận những bộ đồ bảo hộ, găng tay và khẩu trang dưới chuẩn, không đủ chất lượng.
Bên ngoài một bệnh viện ở Vũ Hán, các nhân viên y tế chờ đợi bên một chiếc xe tải, nơi họ được một người đàn ông giao hàng mặc đồ bảo hộ kín mít chuyển cho những chiếc thùng đựng khẩu trang và đồ bảo hộ.
Một nữ nhân viên y tế trong số đó nói rằng số đồ bảo hộ này không đủ chuẩn để ngăn sự xâm nhập của virus. Nhưng rồi cuối cùng cô cũng đành chấp nhận. "Đây là tất cả những gì chúng tôi có. Chúng tôi phải nhận bất cứ thứ gì họ gửi cho chúng tôi" – cô nói.
Nhân viên y tế tẩy rửa lối vào Trung tâm Điều trị y tế Vũ Hán hồi tháng 1. Ảnh: AP
Cuộc sống những ngày chống dịch với các y bác sĩ ngày càng khó khăn: phần lớn thời gian trong ngày họ chạy chữa cho bệnh nhân còn thời gian còn lại thì đi "săn lùng" đồ bảo hộ.
Sự thiếu hụt đã khiến bác sĩ Chang ở bệnh viện Hán Khẩu phải lên mạng xã hội kêu gọi quyên góp khẩu trang N95- loại khẩu trang phòng độc tốt nhất để chống virus – và các loại quần áo, phụ kiện bảo hộ khác.
Bác sĩ Peng Zhiyong, 53 tuổi, Trưởng khoa Chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Trung Nam trực thuộc Trường ĐH Vũ Hán nói trong một cuộc phỏng vấn tuần qua rằng đội của ông đang làm việc trong điều kiện nguy hiểm do thiếu đồ bảo hộ toàn thân và khẩu trang.
Ông cho biết: "Chúng tôi chỉ được nghỉ 1 lần mỗi ngày, chỉ để uống nước và ăn thôi. Vì nếu bạn cởi đồ và rời vị trí thì bạn chẳng có bộ đồ mới để mặc.
Trong dịch SARS 2002-2003, tình trạng nhiễm bệnh của các nhân viên y tế đã khiến dư luận phẫn nộ sau khi chính phủ Trung Quốc che giấu thông tin suốt nhiều tháng. Số nhân viên y tế nhiễm SARS giai đoạn đó chiếm đến 15% tổng số ca nhiễm (theo nguồn tin Tân Hoa Xã) và khoảng 1% trong số đó đã tử vong.
Người Trung Quốc tiếc thương bác sĩ Lý Văn Lượng- người đã ra đi vì Covid-19. Ảnh: New York Times.
Lời khẩn cầu từ các bệnh viện ở khắp Hồ Bắc đã khơi dậy những làn sóng viện trợ từ các doanh nghiệp, cá nhân và các nhà hoạt động xã hội khắp Trung Quốc. Nhưng các nhà cung cấp rất khó để đáp ứng kịp sự gia tăng nhu cầu này, nhất là trong bối cảnh lệnh phong toả được siết chặt. Sự hạn chế đi lại đã khiến các nhà máy sản xuất khẩu trang thiếu cả nhân lực lẫn nguồn nguyên liệu cần thiết để sản xuất.
Tờ Beijing News trích dẫn lời 1 tài xế xe tải kể rằng anh ta đã bị yêu cầu dừng xe đến 14 lần để đo thân nhiệt khi anh lái xe rời Vũ Hán để đi lấy thiết bị y tế.
Anh Guo Fei, một doanh nhân trẻ 27 tuổi đang hỗ trợ tìm mua đồ bảo hộ y tế cho các bệnh viên ở thành phố Tiểu Bình, tỉnh Hồ Bắc, cho biết đội của anh đã bị cảnh sát giữ lại khoảng 8 tiếng đồng hồ ở tỉnh Giang Tây lân cận khi họ di chuyển đi lấy thêm găng tay y tế. Theo lời anh Guo, có vẻ như lực lượng cảnh sát ở đây muốn giữ lại nguồn găng tay này cho khu vực của họ.
Các bác sĩ cũng chỉ trích sự quan liêu trong hệ thống phân phối khiến hàng quyên góp chậm đến tay họ. Tất cả hàng quyên góp đều phải qua trung gian là Hội Chữ thập đỏ trong khi tổ chức này đang trong tình trạng thiếu nhân sự.
Trong một bài chia sẻ đầy phẫn nỗ trên mạng xã hội, bác sĩ Chang của bệnh viện Hán Khẩu kể chuyện ông cố gắng xin 10.000 khẩu trang phòng độc N95 từ Hội chữ thập đỏ nhưng cuối cùng chỉ được trao hơn 9.000 khẩu trang kém chất lượng. "Tôi chỉ muốn khóc" - ông nói ở cuối đoạn video đăng tải.
Bình luận (0)