Lời trăng trối cuối cùng của hoàng thân Henrik là điều bất ngờ đối với Nữ hoàng Margrethe trong thánh đường nơi làm lễ cầu nguyện trước khi đưa quan tài của ông hoả thiêu.
Sự ngỡ ngàng của nữ hoàng và quan khách khi bước vào ngôi giáo đường Christiansborg Slotskirke là một vườn hoa nhân tạo thật đẹp mà hoàng cung làm theo lời cuối cùng của hoàng thân gửi tới vợ mình. Ông còn để lại bài thơ ông đã đọc cho bà trong ngày đám cưới do mục sư đọc. Điều này đã làm Nữ hoàng rơi lệ.
Nữ hoàng Đan Mạch bật khóc khi đọc di thư của chồng
"Anh đến từ đất nước đầy hoa để bước vào cánh vườn: Có những đóa hoa tường vy, hoa mimosa, hoa cúc hoàng điệp và hoa dã quỳ tím mọc ở khắp nơi, trong công viên, bãi cỏ, ven rừng và quanh bờ đê. Nhưng em, em là đóa hoa đẹp ngời nhất trong những đóa hoa kia" - lời bài thơ hoàng thân đã viết.
Vòng hoa Nữ hoàng gởi cho chồng chỉ ghi từ "Daisy" - tên loài hoa cúc bà yêu thích và cũng là biệt danh mà ông thường gọi bà
Ngoài vườn hoa và bài thơ, ông cũng đã tự chọn những bài hát trong buổi lễ an táng của mình.
Trong những ngày qua, hàng ngàn đóa hoa của người dân đặt chung quanh hoàng cung bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ ông đã là bằng chứng cho thấy họ rất yêu quý ông.
Tang lễ trong thánh đường
Hoa của người dân Đan Mạch gởi kính viếng Hoàng thân Henrik
Những đóa hoa được người dân đặt tại lâu đài trong những ngày qua đã được Nữ hoàng ra lệnh chuyên chở đến thành lũy Kastellet ở Copenhagen đặt tại đài kỷ niệm những người lính Đan Mạch đã đi chiến đấu vì hòa bình của thế giới. Tượng đài được xây xong năm 2011 và Nữ hoàng là người cắt băng khánh thành.
Nữ hoàng cũng yêu cầu cất giữ lại tất cả những lá thư, hình ảnh, tờ rơi, những kỷ vật và gấu bông mà thần dân đã mang đến tang lễ để bà chiêm ngưỡng.
Những bó hoa mà người dân đặt ở lâu đài Marselisborg Slot nằm trên hòn đảo lớn của Đan Mạch (cách thủ đô khoảng 304 km) cũng được chuyên chở tới tượng đài tưởng nhớ tại thành phố Arhus. Và cũng như ở thủ đô, tất cả những kỷ vật phải cất giữ để tới mùa phục sinh bà sẽ qua đó để chiêm ngưỡng.
Và cũng ngày 20-2, trên trang facebook của hoàng tộc đã đăng bức thư của nữ hoàng tỏ lòng biết ơn tới người dân.
Mối tình của hoàng thân Henrik và Nữ hoàng được xem là đơm hoa từ ngày 10-6-1967, khi đó Công chúa Margrethe kết duyên cùng Henri Marie Jean André greve de Laborde de Monpezat, nguyên là thư ký của tòa Đại sứ Pháp ở London (Anh). Henri khi đó là một nhà ngoại giao trẻ tuổi với vẻ ngoài hào hoa, đồng thời còn là một nghệ sĩ có tài. Mối tình lãng mạn đã nảy nở giữa nhà ngoại giao người Pháp và Công chúa Đan Mạch khi Margrethe du học ở trường nội trú North Foreland Lodge tại Hampshire, Vương quốc Anh.
Để lấy được người mình yêu, chàng trai trẻ Henri đã phải hy sinh rất nhiều thứ: Công việc thăng tiến trong ngạch ngoại giao, ngôn ngữ, quốc tịch, tôn giáo và cả tên tuổi. Nhớ lại thời điểm này, ông kể: "Tôi đã suy nghĩ rất lâu và phải làm một chọn lựa dứt khoát. Chọn lựa này hoàn toàn đi theo lý lẽ của con tim và phải chịu trách nhiệm, không phải chính trị mà là đạo đức".
Ngay cả gia đình vợ cũng khuyên ông nên cân nhắc thấu đáo. "Bố mẹ vợ tôi khi đó đã nói: Con rể tương lai, hãy suy nghĩ chín chắn về quyết định này. Bởi nó sẽ rất khủng khiếp nếu sau đó con cảm thấy không tự tin" - Hoàng thân Henrik nhớ lại. Ngay sau lễ cưới Hoàng gia, ông đã đổi tên Pháp của mình là Henri sang Henrik, như một biểu hiện về sự tôn trọng đối với đất nước của vợ - mà giờ đây đã trở thành quê hương ông.
Cuộc sống những tưởng không thể hạnh phúc hơn với vị Hoàng thân gốc Pháp Henrik khi hai năm sau ngày cưới, Công chúa Margrethe liên tục hạ sinh cho ông hai hoàng tử là Frederik André Henrik Christian (1968) và Joachim Holger Waldemar Christian (1969).
Theo tờ Copenhagen Post, hơn 40 năm trôi qua, kể từ khi chàng trai trẻ người Pháp Henri de Laborde de Monpezat kết hôn cùng Công chúa Margrethe và trở thành Hoàng thân Henrik của Đan Mạch. Tuy nhiên, dư luận không phải lúc nào cũng rộng rãi với ông hoàng có nguồn gốc Pháp và lớn lên ở Việt Nam.
Hoàng thân Henrik llúc sinh thời
Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe và Hoàng thân Henrik thăm Việt Nam năm 2003
Dư luận Đan Mạch nhiều khi khắt khe với ông, cho rằng ông đã không thấm nhuần văn hóa Đan Mạch, nhất là việc không sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ của "xứ sở nàng tiên cá". Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác hẳn. Hoàng thân Henrik có thể sử dụng thành thạo tiếng Đan Mạch, song cách phát âm của ông đôi khi gây hiểu nhầm, khiến người tiếp chuyện cho rằng ông không nắm được ngữ pháp.
Hoàng thân xứ Consort còn có khả năng sử dụng ba ngôn ngữ khác là tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Việt - ngoài tiếng Pháp và tiếng Đan Mạch. Ông đã học hai ngôn ngữ châu Á trên khi sống tại Việt Nam trong 5 năm đầu đời và khi học trung học tại Hồng Kông và Việt Nam vào cuối thập niên 1950.
Bình luận (0)